Mỗi năm, có hàng triệu bệnh nhân đến từ các quốc gia có chất lượng dịch vụ y tế yếu kém, họ đi du lịch xuyên biên giới đến các quốc gia phát triển với mong muốn tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao. Một số khác lựa chọn hình thức này vì không muốn phải xếp hàng dài để đợi khi sử dụng các dịch vụ y tế công, hay phải chịu mức giá đắt đỏ cho các dịch vụ y tế tư nhân.
Chẳng hạn, do chi phí khám chữa bệnh ở Mỹ và châu Âu đắt đỏ, nhiều người không đủ khả năng chi trả nên hình thức du lịch kết hợp với chữa bệnh là một lựa chọn cho nhiều người. Điều này đã tạo ra thị trường du lịch y tế toàn cầu "béo bở" giá trị 56,3 tỷ USD, ước tính đạt 136,6 tỷ USD vào năm 2023.
Với cơ sở hạ tầng y tế phát triển, công nghệ kỹ thuật hiện đại, cùng với những chính sách hỗ trợ kéo dài visa, các quốc gia như Canada, Singapore, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Ấn Độ, Thái Lan,… đã thu hút một lượng lớn khách du lịch y tế, đem lại khoản lợi nhuận khổng lồ cho kinh tế đất nước.
Tương tự, ở Việt Nam tiềm năng phát triển du lịch y tế rất lớn, do đó cần có kế hoạch phát triển, đầu tư bài bản. Theo số liệu thống kê, lượng khách nước ngoài đến Việt Nam chữa bệnh kết hợp du lịch tăng dần qua các năm với doanh thu khoảng 2 tỷ USD.
Riêng năm 2018, đã có khoảng 300.000 người nước ngoài đến khám nội trú và 57.000 người được điều trị nội trú tại Việt Nam. Trong đó, TP Hồ Chí Minh chiếm khoảng 40%. Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó Giám đốc Sở du lịch thành phố Hồ Chí Minh: "Hiện nay, TP Hồ Chí Minh có những sản phẩm du lịch y tế đang là thế mạnh thu hút nhiều du khách bao gồm du lịch kết hợp sóc da thẩm mỹ, dịch vụ khám và tầm soát bệnh lý trong sản phụ khoa, du lịch nha khoa, du lịch y học dân tộc cổ truyền, nha khoa…"
Chi phí nhân sự, mặt bằng ở Việt Nam cũng thấp hơn một số quốc gia khiến cho chi phí dịch vụ y tế tại Việt Nam rẻ hơn. Đây là lợi thế nổi trội thu hút khách nước ngoài.
Bên cạnh đó, thị trường y tế Việt Nam đang thu hút nhiều nhà đầu tư cả trong nước và ngoài nước, điều này sẽ giúp Việt Nam nhanh chóng phát triển các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao, xây dựng các bệnh viện mang tầm quốc tế, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của du khách và giới trung lưu trong nước.
Gần đây, với những thành tựu về cấy ghép nội tạng và ứng dụng công nghệ trong khám chữa bệnh đã đưa ngành y tế lên một tầm cao mới. Đặc biệt, thời gian qua ngành y tế Việt Nam đã đứng vững trước đại dịch Covid – 19, trong khi các quốc gia khác phải chật vật và lúng túng chống chọi với dịch, điều này đã được cộng đồng quốc tế công nhận. Do đó, cơ hội phát triển du lịch y tế ở Việt Nam hậu Covid – 19 là rất lớn.
Khai thác tốt du lịch y tế sẽ mang lại cho quốc gia những khoản lợi nhuận khổng lồ, tạo công ăn việc làm cho người dân, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế; tạo động lực phát triển cho các ngành dịch vụ khác. Do đó, chúng ta cần phải thiết kế những tour du lịch khép kín có sự kết hợp giữa các trung tâm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và các khu du lịch, nghỉ dưỡng để khai thác tối đa tiềm năng lượng khách có sức mua dồi dào này.
Tuy nhiên, để tận dụng tốt cơ hội này chính phủ nhà nước kết hợp với các tổ chức tư nhân xây dựng các khung pháp lý và chính sách hỗ trợ phát triển ngành y tế để đem lại cho du khách trải nghiệm dịch vụ tốt. Hơn nữa, phát triển du lịch y tế cũng phải chú ý tạo thế cân bằng giữa phát triển du lịch y tế và hệ thống y tế trong nước cho người dân. Tránh trường hợp như tại Thái Lan, khi số lượng khách du lịch y tế tăng cao quá mức, đã dẫn đến tình trạng thiếu bác sĩ, nhân viên y tế và làm gia tăng chi phí y tế cho người dân thuộc diện tự chi trả, hậu quả làm giảm khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng.
Theo Nhịp sống kinh tế