Mới đây, Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấp thuận việc chuyển nhượng 100% vốn góp của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) tại Công ty Tài chính Bưu điện (PTF) cho AEON Financial (thành viên thuộc mảng tài chính của AEON Group - tập đoàn bán lẻ lớn nhất Nhật Bản).

Trước đó, vào tháng 10/2023, SeABank ký kết hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại PTF cho AEON Financial với giá 4.300 tỷ đồng.

Trước SeABank, nhiều ngân hàng tại Việt Nam cũng đã chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn công ty tài chính cho nhà đầu tư nước ngoài.

Cụ thể, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đã ký kết các thỏa thuận chuyển nhượng 100% vốn điều lệ tại Công ty Tài chính TNHH MTV SHB Finance cho Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri) của Thái Lan – thành viên chiến lược thuộc Tập đoàn MUFG - Nhật Bản.

Vì sao ngân hàng đua nhau bán vốn tại công ty tài chính?- Ảnh 1.

VPBank chuyển nhượng 49% vốn điều lệ tại FE Credit cho Tập đoàn SMBC, Nhật Bản.

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng chuyển nhượng 49% vốn điều lệ tại FE Credit cho Tập đoàn SMBC (Nhật Bản) với giá 1,4 tỷ USD.

Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) bán toàn bộ 100% cổ phần Công ty Tài chính Techcom Finance cho Lotte Card (Hàn Quốc) với giá trị gần 87 triệu USD.

Ngoài ra, thị trường vẫn đang trông đợi một số thương vụ thoái vốn cho các nhà đầu tư ngoại tiềm năng khác. Đơn cử như MSB đang tiến hành kế hoạch bán Công ty tài chính TNEX Finance. Được biết, có 3 nhà đầu tư từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan quan tâm tới công ty tài chính này.

Theo các chuyên gia, hơn 10 năm phát triển, thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam ngày càng cho thấy tiềm năng và còn rất nhiều dư địa tăng trưởng do tỷ lệ thâm nhập còn thấp.

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện nay tổng dư nợ cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng tại Việt Nam đạt khoảng 2,8 triệu tỷ đồng, tương đương 20% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. Tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng bình quân giai đoạn từ 2010 đến nay luôn cao hơn tốc độ tăng dư nợ tín dụng chung của toàn nền kinh tế.

Các chuyên gia cũng đánh giá ngành tài chính tiêu dùng Việt Nam đang bước vào giai đoạn chuẩn bị cho một chu kỳ tăng trưởng mới. Trong năm 2024, tín dụng tiêu dùng đã bước vào sự khởi sắc. Sang năm 2025, tín dụng tiêu dùng được dự báo sẽ bứt phá do nhận được nhiều yếu tố hỗ trợ.

Theo Công ty Chứng khoán MB (MBS), tăng trưởng GDP ở mức khá cao và thu nhập hộ gia đình cải thiện sẽ thúc đẩy nhu cầu tài chính tiêu dùng tăng đáng kể. Một điểm đáng chú ý là khách hàng vay dưới 100 triệu đồng sẽ chỉ cần cung cấp thông tin cơ bản về mục đích vay và khả năng trả nợ, giúp đơn giản hóa quy trình và kích cầu vay vốn.

Trong năm 2025, nhiều chuyên gia dự báo nhu cầu vay tiêu dùng sẽ tiếp tục tăng trưởng cao, khoảng 15%. Đây là lý do thời gian qua, rất nhiều ngân hàng trong nước đã không ít lần hé lộ kế hoạch "săn tìm" và mua lại công ty tài chính. Ở chiều ngược lại, các nhà đầu tư nước ngoài cũng quan tâm nhiều tới thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam. Do đó, những thương vụ mua bán, sáp nhập trong lĩnh vực này sẽ còn sôi động trong thời gian tới.

TS. Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam - nhận định, cho vay tiêu dùng tại Việt Nam vẫn là thị trường hết sức tiềm năng. Mặc dù thị trường này đang gặp khó khăn, song vẫn còn rất nhiều dư địa phát triển, do đó tín dụng tiêu dùng luôn hút vốn ngoại.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, ngân hàng bán công ty tài chính là “một mũi tên trúng nhiều đích”, vừa thu về một khoản tiền lớn để nâng cao năng lực tài chính, vừa chia sẻ rủi ro.

Đối với các ngân hàng, việc thoái vốn khỏi công ty tài chính không chỉ mang lại nguồn thu nhập lớn, giúp ngân hàng gia tăng hệ số an toàn vốn, mà còn tập trung vào những mảng kinh doanh cốt lõi, cũng như hạn chế chồng chéo trong chiến lược phát triển kinh doanh.

Theo Ngọc Mai