Tuy nhiên, bên cạnh vấn đề địa chính trị, thị trường dầu mỏ còn chịu tác động bởi nhiều yếu tố khác. Sau giai đoạn tăng mạnh, giá dầu đang quay đầu giảm.
Vào thứ Ba (15/10), giá dầu thô giảm hơn 4% xuống mức thấp nhất gần 2 tuần do triển vọng nhu cầu yếu đi và sau khi có thông tin Israel sẽ không tấn công các địa điểm hạt nhân và dầu mỏ của Iran, làm giảm bớt lo ngại về tình trạng gián đoạn nguồn cung. Các biện pháp kích thích kinh tế ở Trung Quốc đã không còn hỗ trợ nhiều cho cho giá dầu và giá vẫn giảm mạnh bất chấp Trung Quốc đưa tin có thể huy động thêm 6 nghìn tỷ nhân dân tệ (850 tỷ đô la) từ trái phiếu kho bạc đặc biệt trong vòng 3 năm tới để kích thích nền kinh tế.
Giới chuyên gia cho biết các nhà đầu tư vẫn tương đối lạc quan trong bối cảnh căng thẳng leo thang ở Trung Đông, với giá dầu đã giảm hơn 10% trong ba tháng qua và thị trường chứng khoán Mỹ vẫn gần mức cao nhất mọi thời đại.
Các thủ đô tài chính ở phương Tây có thể gặp rắc rối do giá dầu tăng, đặc biệt là trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng tới. Lạm phát đã hạ nhiệt ở khắp các nền kinh tế phát triển trong những tháng gần đây, mở đường cho việc các nhà hoạch định chính sách tại các ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới cắt giảm lãi suất,
Tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng thị trường tài chính vẫn có thể tránh được sự hoảng loạn. Họ đưa ra ba lý do chính: kỳ vọng về tình hình xung đột trong tương lai ở Trung Đông, địa chính trị và ‘sức khỏe’ kinh tế thế giới ngày càng bất ổn.
"Thật đáng ngạc nhiên khi bạn thấy sự leo thang (xung đột) và không có gì thay đổi (trên thị trường dầu mỏ), nhìn chung không phải là điều bạn mong đợi từ thị trường", Nuwan Goonetilleke, người phụ trách thị trường vốn tại công ty bảo hiểm Phoenix Group được niêm yết tại London, cho biết. "Xung đột (ở Trung Đông) đã leo thang trong 12 tháng qua”. "Thị trường sẽ tiếp tục theo dõi để xem liệu cuộc xung đột có thu hút các cường quốc khác trong khu vực hay không. Iran là quốc gia có khả năng gây ra hậu quả nghiêm trọng".
Thứ nhất, ngay cả khi căng thẳng ở Trung Đông bùng phát mạnh gần đây, các nhà phân tích vẫn hy vọng rằng tình hình có thể được kiềm chế.
Không thể phủ nhận là rủi ro vẫn rất cao. Iran là quốc gia sản xuất dầu lớn, cung cấp khoảng 3 triệu thùng mỗi ngày – tương đương khoảng 3% sản lượng dầu của thế giới - bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Tehran có ảnh hưởng đáng kể đến Eo biển Hormuz, một điểm nghẽn quan trọng đối với các chuyến tàu chở dầu và khí đốt với 20 triệu thùng mỗi ngày, chiếm gần 30% hoạt động buôn bán dầu mỏ thế giới.
Iran cũng kiểm soát Biển Đỏ thông qua việc hậu thuẫn phiến quân Houthi ở Yemen, những người đã nhắm mục tiêu vào hoạt động vận chuyển. Đầu năm nay, đây là một trong những nỗi lo sợ lớn nhất trên thị trường tài chính toàn cầu.
Đó là lúc địa chính trị xuất hiện. Các nước xuất khẩu dầu khí lớn khác - bao gồm Saudi Arabia, Iraq, UAE, Kuwait và Qatar - phụ thuộc rất nhiều vào Hormuz, làm dấy lên viễn cảnh Iran đóng cửa eo biển này có thể gây ra hậu quả rất lớn.
Một số nhà phân tích cho rằng tình hình ở Biển Đỏ 'giống như một sự phiền toái' hơn là gây gián đoạn nguồn cung dầu. Ảnh: Houthi Military Media/Reuters
Các nhà phân tích của công ty tư vấn Capital Economics cho biết động thái như vậy có thể đẩy giá dầu lên gần 100 USD/thùng. Tuy nhiên, ngay cả khi Iran hạn chế vận chuyển, mối quan hệ tương đối nồng ấm giữa Tehran với Qatar có nghĩa là nguồn cung của nước này vẫn có thể được phép đi qua. "Trong mọi trường hợp, xét đến khả năng xảy ra phản ứng quân sự - có thể do Mỹ dẫn đầu - chúng tôi nghi ngờ rằng Iran trên thực tế sẽ không thể đóng cửa eo biển này trong thời gian dài".
Thứ hai, sau cuộc khủng hoảng năng lượng liên quan đến Nga vào năm 2022, nhiều quốc gia đã chuyển sang đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng, bao gồm cả năng lượng tái tạo. Các thành viên của Opec+ trong cuộc họp mới đây cũng dự kiến sẽ tuân thủ các kế hoạch tăng khối lượng cung cấp. Trong số đó có Saudi Arabia, nhà sản xuất lớn nhất thế giới, được cho là đã từ bỏ mục tiêu giá dầu 100 USD.
Torbjörn Törnqvist, giám đốc điều hành của công ty giao dịch Gunvor, cho biết ông "rất tự tin" rằng nguồn cung sẽ không bị ảnh hưởng. "Chúng ta có một số tình huống xung quanh Biển Đỏ, nhưng nhìn chung đó giống như sự phiền toái chứ không thực sự gây gián đoạn nguồn cung theo bất kỳ cách nào", ông Törnqvist nói.
Yếu tố thứ ba có thể ngăn chặn sự hoảng loạn của thị trường tài chính là chính nền kinh tế.
Nhu cầu dầu đã giảm trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu chậm lại - đặc biệt là ở Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ lớn nhất thế giới, nơi Bắc Kinh đang phải vật lộn để phục hồi hoạt động đang trì trệ. Ngành công nghiệp châu Âu cũng đang trong tình trạng trì trệ, với các cuộc khảo sát mới đây cho thấy sản lượng của các nhà máy trong tháng 9 đã giảm mạnh nhất trong năm nay.
Nhu cầu tại Trung Quốc đã giảm xuống còn "vài trăm nghìn thùng một ngày" từ mức khoảng 1,3 triệu thùng một ngày vào năm 2023, theo Ole Hansen, người phụ trách chiến lược hàng hóa tại Ngân hàng Saxo, cho biết. "Chúng tôi tin rằng với tình hình hiện nay, giá dầu thô Brent sẽ bị kẹt ở mức 70 đô la trong tương lai gần, và chỉ một sự kiện địa chính trị hoặc sự phục hồi của Trung Quốc mới có thể là động lực thúc đẩy bất kỳ sự bất ngờ nào", ông Hansen nói.
Hai năm trước, cú sốc năng lượng Nga xảy ra sau một đợt bùng phát lạm phát do thế giới nới lỏng các hạn chế chống Covid và liên quan đến tình trạng tắc nghẽn nguồn cung và nhu cầu tăng mạnh từ người tiêu dùng khi họ háo hức chi tiêu sau lệnh phong tỏa.
Nhưng lần này thì khác, lạm phát đang hạ nhiệt và nhu cầu của người tiêu dùng yếu hơn, phản ánh việc tài chính của các hộ gia đình bị tổn thất sau khi giá cả tăng nhanh gần đây và chi phí vay (lãi suất) tăng cao để ứng phó với cú sốc lạm phát.
Giá dầu đã giảm trở lại từ hơn 90 USD/thùng hồi tháng 4 xuống còn khoảng 70 USD - được phản ánh trong giá xăng của người lái xe - giúp giảm bớt áp lực lạm phát, vào thời điểm mà trọng tâm chính của thị trường tài chính là các ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất để tránh làm chệch hướng tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, sự leo thang hơn nữa ở Trung Đông vẫn có thể thay đổi tất cả những điều này. Ông Goonetilleke cho biết "Chúng ta vẫn chưa thấy điều đó, nhưng xung đột leo thang sẽ có tác động mạnh mẽ hơn".
Thị trường dầu vẫn còn nhiều yếu tố khó lường. Lo ngại xung đột giữa Israel và nhóm chiến binh Hezbollah do Iran hậu thuẫn leo thang vẫn còn đó. Các kế hoạch hạn chế nguồn cung của OPEC+ vẫn có hiệu lực cho đến tháng 12/2024.
Tuy nhiên, nguồn cung dầu năm 2024 dự kiến sẽ tăng lên khi các thành viên OPEC+ khôi phục sản xuất. Về phía nhu cầu dầu, cả Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và Cơ quan năng lượng quốc tế tuần này đều cắt giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu năm 2024, trong đó Trung Quốc chiếm phần lớn các mức giảm.
Tham khảo: T heguardian - Vũ Ngọc Diệp