Euro và nhân dân tệ đang mất giá khi áp lực thuế quan thương mại ngày càng lớn (Ảnh RFI)

Euro và nhân dân tệ đang mất giá khi áp lực thuế quan thương mại ngày càng lớn (Ảnh RFI)

Chưa đầy 2 tuần nữa, nước Mỹ sẽ có tân Tổng thống Donald Trump - người luôn sử dụng thuế quan thương mại như một công cụ để thỏa mãn chính sách “nước Mỹ trên hết”.

Ông Trump đã cam kết áp thuế lên tới 10% đối với hàng nhập khẩu toàn cầu và 60% đối với hàng hóa Trung Quốc, cộng với thuế nhập khẩu phụ thu 25% đối với các sản phẩm của Canada và Mexico.

Từ Trung Quốc đến châu Âu, từ Canada đến Mexico, thị trường thế giới đang chao đảo vì lời đe dọa áp thuế quan của ông Donald Trump. Đây là các loại thuế mà nhiều chuyên gia cho rằng, sẽ làm đảo lộn dòng chảy thương mại, làm tăng chi phí và dẫn đến sự trả đũa, kéo theo bất ổn lan rộng.

Goldman Sachs cho rằng, Trung Quốc có khả năng là mục tiêu chính của cuộc chiến thương mại 2.0, với những ảnh hưởng đang lớn dần lên; đồng nhân dân tệ (NDT) lao dốc mạnh, đang ở mức yếu nhất trong 16 tháng, ở mức 7,3 NDT/USD.

Ngân hàng Anh, Barclays dự báo đồng NDT sẽ ở mức 7,5 đổi 1 USD vào cuối năm 2025 và giảm xuống còn 8,4 NDT/USD trong trường hợp Nhà trắng áp thuế nhập khẩu 60%. Các nhà phân tích dự đoán Trung Quốc sẽ để đồng NDT suy yếu hơn nữa để giúp các nhà xuất khẩu bảo vệ lợi nhuận.

Sự mất giá của đồng NDT sẽ kéo theo tình trạng dòng vốn đầu tư rời khỏi Trung Quốc, gây hỗn loạn thị trường tài chính. Đồng thời, Reuters đánh giá rằng dưới ảnh hưởng thuế quan của Mỹ, các nhà đầu tư vào các nước xuất khẩu lớn khác của châu Á như Việt Nam và Malaysia cũng đang lo lắng.

Với việc đồng NDT suy yếu, sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến thương mại song phương Việt - Trung. Tại thị trường trong nước, khi NDT giảm mạnh, hàng hóa Trung Quốc sẽ cạnh tranh hơn. Hiện nay, sản phẩm của Trung Quốc cũng đang làm cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước gặp rất nhiều khó khăn.

Xuất khẩu sang Trung Quốc dự kiến bị ảnh hưởng (Ảnh Global)
Xuất khẩu sang Trung Quốc dự kiến bị ảnh hưởng (Ảnh Global)

Nếu Việt Nam tìm cách giảm giá VND cũng sẽ không hoàn toàn có lợi. Theo tính toán của các chuyên gia trong nước, nếu giảm mạnh giá VND sẽ giúp hàng xuất khẩu giảm giá nhưng giá hàng nhập khẩu lại tăng. Và các khoản nợ nước ngoài bằng USD cũng sẽ tăng mạnh; đồng thời các nhà đầu tư khi mua USD chuyển lợi nhuận về nước cũng sẽ thiệt hại khi VND giảm giá.

Châu Âu càng rối bời nếu thuế quan của Mỹ được kích hoạt như cam kết trước đó. Thị trường dự đoán Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ cắt giảm lãi suất 100 điểm cơ bản trong năm nay để củng cố nền kinh tế ảm đạm. Đồng euro bắt đầu giảm giá so với đô la Mỹ, hiện ở mức 1,0321 euro đổi 1 USD, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2022.

Khi đồng euro giảm giá thì xuất khẩu của Việt Nam sang EU gặp bất lợi, cộng hưởng với sự cạnh tranh của hàng xuất khẩu cùng loại của Trung Quốc sang khu vực này sẽ làm cho tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đến EU sẽ bị sút giảm, nhất là các hàng dệt may, giày dép.

Bốn trong mười thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là EU, Trung Quốc, Canada, kể cả Mỹ - cũng đang đứng trước nhiều biến động lớn sau ngày 20/1. Liệu mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 2 con số năm nay của Việt Nam có hoàn thành?

Trương Khắc Trà