Cụ ông Chu Hữu Quang là một nhà ngôn ngữ học nổi tiếng của Trung Quốc. Ngoài thành tựu trong sự nghiệp, ông còn được nhiều người ngưỡng mộ bởi thọ đến 111 tuổi.
Ông vốn là người có thể chất rất yếu khi còn nhỏ, thời niên thiếu cho đến thanh niên vẫn mắc bệnh lao. Tuy nhiên nhờ 5 bí quyết dưới đây, sau 100 tuổi, ông vẫn viết và xuất bản sách, trí óc minh mẫn, mắt tinh tường, ăn uống tốt và có thể trạng tuyệt vời.
Ăn uống lành mạnh
“Tôi không bao giờ ăn thực phẩm bổ sung. Tôi từng làm trong ngân hàng, nhiều người khi đãi khách, ăn uống rất vô độ, nhưng tôi chỉ ăn đúng lượng cơ thể mình cần. Tôi nhớ trước đây tôi có một bác sĩ tư vấn ở Thượng Hải, ông ấy nói với tôi rằng hầu hết mọi người không phải là "chết do đói" mà là "chết do ăn". Ăn uống bừa bãi đều không tốt cho sức khỏe, nguyên nhân dẫn đến các bệnh như huyết áp cao, mỡ máu, tiểu đường…", ông Chu Hữu Quang từng chia sẻ.
Về chế độ ăn, ông Chu không ăn quá nhiều thịt, không ăn đồ chiên rán. Ông chủ yếu ăn trứng, rau xanh, sữa, đậu phụ. Buổi sáng và buổi chiều mỗi ngày ông uống thêm tách trà đen.
Nuôi dưỡng cảm xúc tích cực
Theo ông Chu Hữu Quang, tâm trạng và thái độ sống quyết định rất lớn đến sức khoẻ cũng như tuổi thọ của con người. “Tôi không tức giận về bất cứ điều gì. Tôi rất thờ ơ với mọi thứ bên ngoài của mình. Có một câu nói trong Phật giáo rằng nếu bạn coi trọng những thứ bên ngoài cơ thể của bạn quá nhiều, tinh thần của bạn sẽ bị ảnh hưởng. Cách đây nhiều năm tôi mắc hội chứng mất ngủ, ngủ không sâu giấc. Sau đó, tôi về quê sống yên bình, bệnh mất ngủ của tôi đã được chữa khỏi. Vì vậy, vợ chồng tôi đều tin rằng, muốn khỏe mạnh thì đừng thất vọng hay tức giận khi gặp chuyện không như ý”, ông từng nói.
Chia sẻ về cách điều tiết cảm xúc của mình, ông cho biết, đầu tiên bạn phải luôn nuôi dưỡng những cảm xúc tích cực, nhìn nhận mọi việc theo hướng tốt nhất có thể. Ông gần như không bao giờ tỏ ra tức giận, mỗi khi cảm giác cơn giận sắp tới ông sẽ nhìn sâu vào tâm mình để bình tĩnh, sau đó nở 1 nụ cười thật tươi.
Ngay cả khi gặp chuyện không như ý mình, ông cũng sẽ không thất vọng mà mỉm cười chấp nhận. Ông cho rằng mọi việc xảy ra luôn có lý do, quy luật và tự nó đã đủ để giải thích cho sự tồn tại của mình. Việc không thể thay đổi thì nên tìm ra điều tích cực ẩn sâu trong đó, vui vẻ để hóa giải mọi thứ.
Sống tối giản
Chu Hữu Quang từng cho biết cuộc sống của ông rất đơn giản: Ngủ, ăn, đọc, viết bài. Về chế độ ăn uống, ông chủ yếu ăn trứng, rau, sữa, đậu phụ. “Mặc quần áo cũng đơn giản, không có cơ hội mặc những bộ đồ đẹp do người khác tặng, bởi vì tôi không thường xuyên ra ngoài. Tôi thường không cảm thấy thoải mái khi mặc những bộ đồ quá đẹp. Tôi cũng không đi du lịch nhiều mà thường viết lách, uống trà, đọc sách ở nhà và tu luyện bản thân”, ông đã chia sẻ.
Chính cụ ông này cũng từng chia sẻ rằng bản thân không nghĩ rằng mình có thể sống lâu bởi mang bệnh lao bẩm sinh. Còn vợ ông bị trầm cảm. “Khi chúng tôi cưới nhau, mẹ già ở nhà lén tìm thầy bói xem bói, nói hai vợ chồng chỉ sống được đến 35 tuổi. Nghe xong tôi mỉm cười. Tôi nghĩ, ông thầy bói không hề mắc lỗi, chính chúng tôi đã tự thay đổi tuổi thọ của mình.
Cuộc sống của tôi và vợ tương đối đơn giản, không ăn uống vô độ, không hút thuốc hay uống rượu, bia. Đây chính là lý do giúp tôi sống đến 111 tuổi, vợ tôi sống đến 93 tuổi”, ông Chu Hữu Quang từng nói.
Vợ chồng hoà thuận
Khi nói đến bí quyết sống thọ, ông Chu thường xuyên nhắc đến người vợ Trương Doãn Hòa của mình. Vợ ông cũng là một người nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc. Hai vợ chồng ông có sở thích uống cà phê, uống trà cùng nhau. Họ có chung quan điểm rằng, vợ chồng sống với nhau không phải chỉ có mỗi tình yêu, mà còn có cả sự tương kính.
Theo quan điểm của người xưa, vợ chồng tương kính như tân (có thể hiểu là “kính trọng nhau như khách”), ông luôn thân thiết và kính trọng vợ. Khi uống trà hay cà phê thậm chí còn cụng ly với nhau, mặc dù đây chỉ là hành động nhỏ, nhưng có thể làm tăng cảm xúc ngọt ngào thân mật giữa 2 vợ chồng, giúp cho gia đình ngày càng ổn định và hạnh phúc.
Học tập suốt đời
Ông Chu cả đời chỉ đọc và suy ngẫm, khi còn trẻ học kinh tế, trở thành nhà kinh tế học nổi tiếng, sau đổi sang tiếng Hán và trở thành cha đẻ của tiếng Hán. Ông đọc rất nhiều sách văn hóa lịch sử và bách khoa toàn thư, tư duy sáng suốt và óc tò mò đã cho phép ông "tự do bơi trong biển nghiên cứu".
Bước sang tuổi 80, lẽ ra là lúc nghỉ ngơi, nhưng ông Chu thì không. Lợi ích lớn nhất của việc học ở tuổi già là luôn tìm kiến thức mới, liên tục kích thích vỏ não, thúc đẩy tuần hoàn máu trong não.
Đinh Anh