Bức tranh thị trường bất động sản Việt Nam năm 2025 được dự báo khởi sắc, nhờ luồng sinh khí mới từ hành lang pháp lý vững vàng, triển vọng kinh tế đầy hứa hẹn và niềm tin của nhà đầu tư đã trở lại.
Thị trường bất động sản đang bước vào nhịp tăng trưởng. Nguồn: CBRE
Nhiều điểm sáng tích cực
Một trong những động lực lớn nhất giúp thị trường địa ốc bứt phá trong năm 2025 đến từ sự hoàn thiện của hành lang pháp lý mới. Ba luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản (Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023) đồng thời có hiệu lực sớm và đang dần đạt được độ "thẩm thấu" nhất định, đóng vai trò quan trọng trong việc tháo gỡ các vướng mắc về thể chế cho thị trường.
Các chuyên gia nhận định, những cải cách này không chỉ khắc phục được tình trạng chồng chéo giữa các quy định về đất đai, đầu tư và bất động sản mà còn tạo ra một cơ chế minh bạch hơn cho các dự án. Điều này đặc biệt ý nghĩa khi áp dụng đối với các dự án đang triển khai gặp vướng mắc, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án mới được thực hiện sau ngày 1/8/2024.
Cùng với đó, Chính phủ cùng các bộ ngành cũng thể hiện rõ sự quyết liệt trong việc đẩy mạnh ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn thực thi, đảm bảo việc triển khai các quy định pháp luật mới sớm đi vào cuộc sống. Từ đó, thời gian qua nhiều dự án đã được “cởi trói” về pháp lý lẫn cơ chế để quay trở lại thị trường. Điển hình như dự án HaNoi Melody Residences (Linh Đàm, Hà Nội), dự án QMS Top Tower (Tố Hữu, Hà Nội), dự án Astral City (TP. Thuận An, Bình Dương)…
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, theo ông Võ Hồng Thắng – Phó Tổng Giám đốc DKRA Group, một trong những điểm sáng của thị trường năm 2025 được kỳ vọng chính là sự tháo gỡ các nút thắt về nguồn cung, đặc biệt là những dự án đảm bảo đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, thị trường địa ốc cũng được dự báo sẽ tăng trưởng tích cực về sức cầu. Đến thời điểm hiện tại, tâm lý nhà đầu tư và người mua cũng đang dần cải thiện theo hướng lạc quan hơn, nhờ loạt thông tin tích cực từ chính sách, hạ tầng và tín dụng.
Đặc biệt, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay duy trì ổn định cùng với đó là lạm phát được kiểm soát tốt, không chỉ tạo điều kiện để doanh nghiệp ngành địa ốc dễ dàng tiếp cận nguồn vốn mới mà còn giúp người mua cũng thuận lợi hơn trong việc vay mua nhà. Dòng vốn tín dụng khơi thông sẽ là “bàn đạp” quan trọng, không chỉ giúp khôi phục niềm tin của nhà đầu tư mà còn hỗ trợ nhóm khách hàng có nhu cầu thực.
Bên cạnh sự ổn định về lãi suất, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng được dự báo sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ấn tượng trong năm 2025. Ông David Jackson - Tổng Giám đốc Avison Young Việt Nam cho biết, nhà đầu tư nước ngoài vẫn nhìn nhận thị trường địa ốc Việt Nam với tâm thế lạc quan. Dù nhiều thị trường lớn trên thế giới đang gặp khó khăn, dòng vốn FDI vẫn gia tăng mạnh vào Việt Nam, cho thấy niềm tin dài hạn từ phía khối ngoại vào triển vọng dài hạn của thị trường này.
Con số 25,35 tỷ USD tổng vốn FDI thực hiện tại Việt Nam trong năm 2024 (tăng hơn 9% so với năm 2023), trong đó riêng lĩnh vực kinh doanh bất động sản đạt 1,84 tỷ USD (tăng 60%), đã cho thấy sức hấp dẫn của thị trường nội địa.
Không chỉ dừng lại ở FDI, ông David Jackson chia sẻ rằng kênh chứng khoán cũng đang trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho các doanh nghiệp bất động sản. Năm vừa qua, thị trường đã chứng kiến nhiều doanh nghiệp trong ngành phát hành cổ phiếu thành công, xu hướng này được cho sẽ tiếp tục bùng nổ trong năm 2025, mở ra nhiều cơ hội gọi vốn cho các dự án phát triển mới.
Chung tay giúp thị trường phát triển bền vững
Mặc dù bức tranh thị trường địa ốc năm 2025 được đánh giá tích cực, song các chuyên gia cho rằng để thị trường phát triển bền vững trong thời gian tới vẫn cần nhiều nỗ lực đồng bộ tự cả doanh nghiệp và các cơ quan quản lý.
TS Cấn văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia nhận định, những yếu tố tích cực về mặt cơ chế, kinh tế sẽ góp phần tạo đà cho tiến trình phục hồi và phát triển của thị trường bất động sản. Tuy nhiên, quá trình phục hồi sẽ không diễn ra đồng đều giữa các phân khúc và tốc độ có thể chậm hơn kỳ vọng.
Do đó, các doanh nghiệp đầu tư và kinh doanh bất động sản cần tiếp tục tập trung vào việc cơ cấu lại hoạt động, đặc biệt là kiểm soát chặt chẽ các rủi ro liên quan đến dòng tiền, lãi suất và nợ đáo hạn. Bên cạnh đó, chủ động tìm hiểu và tiếp cận các chương trình, gói hỗ trợ, đồng thời đa dạng hóa các kênh vốn đầu tư và sản phẩm nhằm điều chỉnh giá bất động sản về mức hợp lý hơn, tạo sự hấp dẫn cho thị trường.
Trong giai đoạn này, vai trò điều tiết và quản lý của Nhà nước có vai trò quan trọng, vì vậy cần quán triệt một cách mạnh mẽ để bảo đảm những quy định trong luật được thực thi đạt hiệu quả, quá trình áp dụng phải được thực hiện một cách linh hoạt, nhiều chuyên gia nhận định.
Vi Anh