Số người hút thuốc lá ở Mỹ đang giảm sau nhiều thập kỷ. (Nguồn: Reuters)
 
Indonesia là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á vẫn cho phép quảng cáo thuốc lá trên truyền hình và phương tiện in ấn. (Nguồn: Reuters)

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hồi đầu năm nay, Indonesia được xếp vào nhóm thị trường thuốc lá lớn nhất thế giới và có tỷ lệ người trẻ hút thuốc cao. Việc sử dụng thuốc lá điện tử (còn gọi là vape) ở người từ 15 tuổi trở lên tại nước này đã tăng gấp 10 lần trong giai đoạn 2011-2021, chiếm đến 3% dân số, tương đương khoảng 8,25 triệu người.

Tính đến năm 2023, khoảng 12,6% học sinh Indonesia từ 13-17 tuổi sử dụng vape, cao hơn nhiều so với lứa tuổi người trưởng thành.

Theo quy định mới, Indonesia cấm bán thuốc lá và vape cho người dưới 21 tuổi và phụ nữ mang thai, cấm bán các mặt hàng này trong phạm vi 200m xung quanh cơ sở giáo dục, trên trang mạng xã hội và trên các nền tảng số không có hệ thống xác minh tuổi.

Bên cạnh đó, chính phủ yêu cầu các nhà sản xuất phải mở rộng kích thước nhãn cảnh báo đồ họa trên bao bì thuốc lá từ 40% lên 50%. Chúng cũng phải chứa các cụm từ như "không có mức độ an toàn và "chứa hơn 7.000 hóa chất, bao gồm hơn 83 chất có thể gây ung thư".

Khu vực không khói thuốc phải thiết lập tại nơi công cộng, bao gồm công viên, nơi thờ cúng, cơ sở giao thông công cộng và tòa nhà văn phòng. Đối với tòa nhà văn phòng, ban quản lý phải chỉ định một khu vực hút thuốc ngoài trời tách biệt khỏi tòa nhà chính. Hơn nữa, các cơ quan liên quan phải cung cấp tư vấn hành vi và can thiệp dược lý cho những người muốn bỏ thuốc lá.

Indonesia cũng thắt chặt kiểm soát việc quảng bá và đóng gói thuốc lá điện tử, bao gồm giới hạn tối đa về hàm lượng nicotine trong tinh chất, dung tích tối đa 2ml cho vape và cảnh báo sức khỏe bắt buộc trên tất cả bao bì.

Những người ủng hộ phòng chống thuốc lá đã hoan nghênh động thái của Jakarta. Người đứng đầu Ủy ban quốc gia về kiểm soát thuốc lá Hasbullah Thabrany đánh giá cao chính sách của chính quyền Tổng thống Joko Widodo trong thắt chặt kiểm soát thuốc lá trong nước, đồng thời khẳng định sẵn sàng tham gia công tác giáo dục công dân về tiêu thụ thuốc lá.

Theo công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor International, thị trường thuốc lá Indonesia trị giá hơn 34 tỷ USD vào năm 2022, lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc. Chi tiêu cho thuốc lá chỉ đứng thứ hai trong chi tiêu hộ gia đình, sau gạo - thực phẩm chính trong nước.

Indonesia là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á vẫn cho phép quảng cáo thuốc lá trên truyền hình và phương tiện in ấn, đồng thời là nước duy nhất ở châu Á chưa ký hoặc phê chuẩn Công ước khung của WHO về kiểm soát thuốc lá.

Thiện Phong