Mỹ - nền kinh tế số một thế giới – bắt đầu bước vào kỳ bầu cử Tổng thống quan trọng. Với những tuyên bố cứng rắn về thuế quan, EU đã lường trước được những thách thức nếu ứng viên đảng Cộng Hòa thắng cử. Câu hỏi đặt ra là châu Âu có thể mong đợi điều gì từ bà Harris?
EU bớt lo nếu bà Harris thắng cử
“Chức Tổng thống của tôi sẽ không phải là sự tiếp nối nhiệm kỳ của ông Joe Biden,” bà Kamala Harris, ứng cử viên Đảng Dân chủ tuyên bố vào tháng trước, cho thấy bà sẵn sàng có một chính sách khác đi so với người tiền nhiệm.
Mặc dù thừa nhận bà Harris sẽ có sự thay đổi, song các chuyên gia không cho rằng chính sách thương mại quốc tế của bà sẽ khác biệt nhiều so với ông Biden. Ít nhất một chiến thắng của bà Harris sẽ không gây ra nhiều biến động trên toàn cầu, theo ông Aurélien Saussay, Nghiên cứu viên, Phó Giáo sư tại Viện Nghiên cứu Grantham thuộc LSE.
Andrew Kenningham, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Âu tại Capital Economics, nói rằng, trái ngược với ông Trump, bà Harris sẽ không áp dụng các mức thuế toàn diện, đặc biệt là không áp đặt đối với các đồng minh chiến lược như châu Âu.
Nếu ông Trump chiến thắng, một số ngành công nghiệp trọng yếu ở châu Âu, đặc biệt là xe hơi của Đức sẽ chịu tác động nặng nề. “Mặc dù mức thuế 100% đối với xe điện chủ yếu nhắm vào xe điện Trung Quốc, Đức vẫn có thể phải đối mặt với ảnh hưởng kinh tế”, ông Saussay nói.
Theo dữ liệu gần đây từ Cục Thống kê Liên bang Đức, thị trường xuất khẩu hàng đầu của nước này trong năm 2023 là Hoa Kỳ, sau đó là Pháp, Hà Lan và Trung Quốc.
“Việc ông Trump đề xuất tăng thuế mạnh, vốn được coi là các biện pháp để điều chỉnh thâm hụt thương mại và bảo vệ ngành công nghiệp trong nước của Mỹ, có khả năng định hình lại quan hệ thương mại quốc tế và chuỗi cung ứng, với những hậu quả đáng kể cho EU,”ông Saussay nhấn mạnh.
Vẫn nhiều nỗi lo
Bất kể ai đắc cử Tổng thống Mỹ, EU vẫn sẽ phải lo ngại tác động tới nền kinh tế khối, khi chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc không có chiều hướng thuyên giảm.
Bà Harris vẫn có khả năng tiếp tục các chính sách thương mại quyết liệt đối với Trung Quốc như ông Biden. Trong năm nay, Mỹ đã công bố một loạt thuế nhắm vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Xe điện chịu mức thuế 100%, trong khi pin mặt trời chịu mức 50%, pin xe điện, khoáng sản quan trọng, thép và nhôm bị áp 25%.
Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU về hàng hóa sau Mỹ, với kim ngạch thương mại song phương đạt 739 tỷ euro vào năm 2023. Với căng thẳng gia tăng giữa hai đối tác hàng đầu, EU sẽ phải đau đầu nếu Mỹ có áp lực buộc EU phải gia tăng hạn chế thương mại với Bắc Kinh.
Bà Emily Mansfield, Giám đốc khu vực châu Âu tại Economist Intelligence Unit, nói rằng chính sách xanh cũng có thể là "điểm nóng" cho quan hệ EU-Mỹ nếu bà Harris đắc cử. “Các khoản trợ cấp IRA ở Mỹ mà bà Harris sẽ duy trì nếu đắc cử, sẽ gây tranh cãi ở châu Âu vì chúng có nguy cơ thu hút đầu tư xanh khỏi EU," bà Emily Mansfield giải thích và cho biết thêm rằng, các quy định mới của EU như cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) và quy định ngăn chặn nạn phá rừng của EU (EUDR), dự kiến có hiệu lực vào năm 2026, sẽ làm tăng chi phí cho các công ty Mỹ xuất khẩu sang EU.
CBAM áp dụng mức thuế carbon lên một số sản phẩm nhập khẩu vào khối này, nhằm ngăn chặn các công ty chuyển sản xuất sang các quốc gia có quy định về khí hậu yếu hơn. EUDR cấm các sản phẩm nhập khẩu vào EU nếu chúng liên quan đến các hoạt động phá rừng.
"Dù có khả năng bất đồng, chiến thắng của bà Harris nhìn chung sẽ mang lại sự ổn định cho châu Âu về tác động kinh tế," Mansfield kết luận.
Bên cạnh đó, với cách tiếp cận kinh tế có phần dễ đoán hơn ông Trump, việc bà Harris giành chiến thắng cũng góp phần vào sự ổn định tài khóa của Mỹ.
Andrew Kenningham, chuyên gia của Capital Economics nhận xét rằng ứng cử viên Đảng Dân chủ nếu chiến thắng có thể sẽ không nới lỏng chính sách tài khóa một cách mạnh mẽ và sẽ không có lý do gì để mong đợi lãi suất của Mỹ cao hơn hoặc đồng USD mạnh hơn trong trường hợp này.
Nam Trần