Cơn bão số 3 cùng với hoàn lưu sau bão đã gây ra mưa lớn và lũ lụt nghiêm trọng tại nhiều địa phương, dẫn đến thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp. Điều này đã khiến giá cả các mặt hàng thực phẩm, đặc biệt là tại các chợ truyền thống ở Hà Nội, có nhiều biến động.

Khảo sát một số chợ dân sinh như Hà Đông, La Khê, Phùng Khoang, Kim Giang, giá thực phẩm tươi sống như cá rô phi, cá chép, thịt lợn, thịt bò, thịt gà… đều có mức tăng đáng kể. Rau xanh cũng không ngoại lệ khi rau muống, rau ngót, rau dền, cải đều tăng giá, thậm chí có nơi rau còn khan hiếm.

Cụ thể, cá rô phi được ghi nhận mức giá 65.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg; cá chép giá từ 70.000 - 75.000 đồng/kg, tăng 5.000 - 10.000 đồng/kg; trong khi đó, thịt lợn có giá bán dao động từ 180.000 - 250.000 đồng/kg (tùy loại); thịt bò có giá bán ở mức từ 310.000 - 360.000 đồng/kg (tùy loại), giá thịt gà ta từ 130.000 - 160.000 đồng/kg (tùy loại), tăng từ 10.000 - 20.000 đồng/kg so với ngày thường.

Với rau xanh, giá 1 bó rau muống dao động từ 20.000 - 30.000 đồng, bắp cải từ 20.000 - 30.000/kg… cao hơn so với thường ngày.

rau-1.jpg
Giá rau tại các chợ dân sinh tăng so với thường ngày

Một trong những những nguyên nhân khiến rau xanh tăng giá là nhiều đơn vị sản xuất rau cung cấp cho Hà Nội bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão số 3.

Tại HTX Dịch vụ tổng hợp Hòa Bình, quận Hà Đông, gần 50ha rau xanh và cây ăn quả bị hư hại, 70% cây ăn quả và gần 100% rau xanh thiệt hại nặng. HTX phải liên kết với các vùng không bị ảnh hưởng để đảm bảo nguồn cung.

Theo Sở Công Thương Hà Nội, mưa ngập khiến rau bị hỏng và khó khăn để thu hoạch, vận chuyển. Song, nhà chức trách khẳng định tại hệ thống bán lẻ và các chợ, nguồn cung hàng hóa thiết yếu vẫn cơ bản đảm bảo. Để ổn định nguồn cung và giá, các mặt hàng này đã được chủ động điều chuyển sang nguồn hàng các tỉnh phía nam.

Ngày 14.9, Thủ tướng Phạm Minh Chính có công điện yêu cầu bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm thiết yếu cho nhân dân, đồng thời tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

“Kiên quyết không để tình trạng găm hàng, tăng giá bất hợp lý, đặc biệt là thuốc chữa bệnh, sách giáo khoa, các loại đồ dùng học tập, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ tiêu dùng, các loại vật tư, sinh phẩm, các loại giống cây trồng, vật nuôi… sau bão”, Thủ tướng chỉ đạo.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo các cơ quan chức năng bám sát diễn biến thị trường trong nước, tình hình cung cầu hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh, học tập, chữa bệnh và đời sống của nhân dân, đặc biệt là những mặt hàng thiết yếu, bảo đảm ổn định thị trường, cung cầu, lưu thông hàng hóa thông suốt; chỉ đạo các đơn vị liên quan kịp thời xử lý đối với biến động giá cả bất thường và cung cầu những mặt hàng thiết yếu.

Ngoài ra, cần thực hiện công tác điều tiết giữa các tỉnh, thành phố đang bị ảnh hưởng của mưa lũ với các tỉnh, thành phố khác khi có đề nghị của địa phương nhằm bảo đảm duy trì cung ứng hàng hóa thiết yếu cho học sinh, bệnh nhân các địa phương chịu tác động của mưa lũ.

“Chỉ đạo toàn bộ lực lượng quản lý thị trường tăng cường công tác giám sát, quản lý theo địa bàn tiến hành kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng ảnh hưởng của bão số 3 để đầu cơ, găm hàng, tăng giá hoặc các hành vi vi phạm khác theo quy định của pháp luật”, Thủ tướng nhấn mạnh.

tt(1).jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị chức năng đôn đốc, hướng dẫn các địa phương triển khai các biện pháp cấp bách bảo vệ và khôi phục sản xuất nông nghiệp. Bằng mọi biện pháp tiêu úng, chống ngập nhanh nhất nhằm giảm thiểu thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp; kịp thời cứu diện tích lúa, hoa màu, cây ăn quả, cây cảnh… còn đang bị ngập úng; hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp cụ thể bảo vệ sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với thực tế; xuất cấp, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi để người dân khôi phục sản xuất ngay sau bão, lũ.

Trong công điện mới đây, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng cho hay một số nơi, một số thời điểm đã xuất hiện khan hiếm, tăng giá cục bộ rau củ quả, thực phẩm, nước uống...

Phó thủ tướng yêu cầu kịp thời thực hiện giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu trong nước, ổn định giá cả, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý; sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ, biện pháp điều tiết giá theo quy định của pháp luật về giá để kiểm soát, bình ổn thị trường; tăng cường triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá; tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá.

Tổng cục Quản lý thị trường cũng cho biết cơ quan chức năng các tỉnh vùng núi phía bắc đang tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường trước hậu quả của bão Yagi và kiểm soát, bình ổn cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu.

Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường giá cả hàng hóa tại các siêu thị, trung tâm mua sắm, hệ thống cửa hàng bán lẻ và địa điểm kinh doanh ở các chợ trên địa bàn, tập trung vào các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trong thời gian xảy ra thiên tai, bão lũ; xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng tình hình thiên tai để sản xuất, kinh doanh, vận chuyển hàng giả, hàng kém chất lượng, thu gom hàng hóa, tăng giá bán bất hợp lý để trục lợi.

Lam Thanh