Ngày 14/8, ông Donald Trump đã đưa ra những cam kết quan trọng về kinh tế, như xóa sổ lạm phát, cắt giảm thuế, “mở van” dầu; đồng thời tuyên bố sẽ đảo ngược các biện pháp hạn chế dưới thời Tổng thống Joe Biden về sản xuất nhiên liệu hóa thạch.

Nỗi lo với thương mại toàn cầu khi ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ ngày càng trở nên hiện hữu. Tạp chí The Economist (Anh) đã lượng hóa vấn đề này thông qua biểu đồ cụ thể, đo đếm mức độ rủi ro với các đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ.

Danh sách này có 6 quốc gia, vùng lãnh thổ tại châu Á - Thái Bình Dương, 2 nền kinh tế ở châu Mỹ và hai nước ở châu Âu. Điều này cho thấy châu Á đã là khu vưc phát triển nhanh nhất, vừa là đối tác vừa là đối trọng với nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Trong đó, thương mại là chỉ số trung tâm được đo bằng 6 tiêu chí: (1) cán cân thương mại song phương; (2) xu hướng thương mại song phương; (3) cán cân vãng lai; (4) hoạt động xuất khẩu nhạy cảm với Mỹ; (5) sự phục thuộc vào Mỹ về hàng hóa và thương mại; (6) và Hiệp định thương mại tự do với Mỹ.

Trong nhiệm kỳ 2017 - 2021, với xuất phát điểm “nước Mỹ trên hết”, ông Trump bày tỏ hoài nghi với hầu hết đối tác, đồng minh; thâm hụt thương mại được thổi bùng thành nguy cơ với an ninh nước Mỹ.

Năm 2018, thậm hụt thương mại của Mỹ tăng thêm 100 tỷ USD, nâng tổng số thâm hụt với toàn cầu lên trên 600 tỷ USD, tình trạng này đã kéo dài gần 50 năm. Cựu Tổng thống Trump quả quyết, ông cần phải hạ con số này xuống để đảm bảo cân đối vĩ mô cho nền kinh tế.

USD là đồng tiền dự trữ quan trọng nhất, phương tiện thanh toán phổ biến nhất,… giúp Mỹ trở thành thị trường sôi động, ai cũng muốn mang hàng hóa đến bán để thu về “đồng bạc xanh”.

Vì thế, USD có xu hướng mạnh lên so với các đồng tiền khác, đỉnh điểm như hiện nay, dẫn tới giảm chi phí hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ và tăng giá hàng hóa Mỹ xuất khẩu ra nước ngoài.

Song, những người ủng hộ ông Trump tìm cách hướng vấn đề về phía Trung Quốc. Và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã xảy ra, bên cạnh đó Washington nâng cấp Hiệp định thương mại Bắc Mỹ với hai láng giềng Canada và Mexico, với hy vọng giải quyết được tình hình.

ngos1.jpg
10 nền kinh tế được liệt vào danh sách rủi ro cao nhất (Ảnh: WTO)

Tuy nhiên đến nay, Canada và Mexico lại rơi vào danh sách thống kê của The Economist, là những đối tác chịu rủi ro lớn nhất nếu ông Trump trở lại Nhà trắng, lần lượt 100 điểm (nguy cơ cao nhất) và 70,4 điểm, xếp thứ 3.

Hơn nữa, tất cả những công ty lớn nhất của Mỹ đều hoạt động ở nước ngoài, đặt nhà máy sản xuất ở Trung Quốc, Đông Nam Á, sau đó xuất khẩu trở lại vào thị trường Mỹ, trong đó một phần không nhỏ bán cho thị trường sở tại và thị trường thứ 3.

Những nguy cơ với Trung Quốc và tác động tiêu cự lan tỏa đến thương mại toàn cầu - được thảo luận rất nhiều. Ông Trump từng tuyên bố nếu tái đắc cử sẽ tăng thuế từ 60% trở lên tới hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Điều đáng ngại nhất với nhà đầu tư, doanh nghiệp, chỉ số chứng khoán tại các thị trường hàng đầu,… là không thể nắm bắt ông Trump sẽ làm gì sau các tuyên bố có phần bốc đồng của mình.

Trương Khắc Trà