Tuy nhiên, làn sóng dịch Covid-19 lần 2 đã giáng một đòn nặng vào hy vọng hồi phục của ngành này.
Doanh số ảm đạm, tồn kho lớn
Sáu tháng đầu năm 2020, ghi nhận sự "lao dốc" của thị trường ô tô vì tác động của dịch Covid-19. Số liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho thấy, trong 7 tháng đầu năm, các doanh nghiệp (DN) thành viên VAMA chỉ bán được 131.248 xe, giảm 28% so với cùng kỳ 2019. Doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm 22%.
Theo chia sẻ từ đại diện các DN ô tô, làn sóng Covid – 19 lần thứ 2 khiến người lao động mất việc làm, giảm thu nhập, nhu cầu về ô tô giảm mạnh. Tất cả các DN ô tô trong nước đều bị giảm doanh số bán.
Trước đó, ảnh hưởng của làn sóng dịch Covid -19 lần thứ nhất, từ cuối quý I/2020, nhiều DN đã phải giảm sản xuất và cắt giảm bớt lao động. Tuy nhiên, tồn kho vẫn cao. Theo số liệu của VAMA, hiện tồn kho ô tô tăng tới 129% so với cùng kỳ 2019. Tồn kho lớn, nên nhiều doanh nghiệp đã phải đại hạ giá, chấp nhận thua lỗ.
Đáng chú ý, làn sóng dịch Covid-19 lần 2 tái diễn cùng thời điểm tháng Ngâu (tháng 7 Âm lịch). Theo thông lệ hàng năm, đây là thời điểm nhu cầu mua xe xuống rất thấp.
Trên thực tế, ngay đầu tháng 8, nhiều đại lý cũng đã tung ra những chương trình khuyến mãi mới. Cụ thể, một số đại lý của Hyundai tiến hành giảm giá bán cho nhiều mẫu xe từ 10-30 triệu đồng.
Điển hình, Hyundai Kona phiên bản tiêu chuẩn giảm 13 triệu đồng, bản đặc biệt giảm 15 triệu đồng và bản 1.6 Turbo giảm 20 triệu đồng. Sau khi giảm, giá bán thực tế của mẫu xe này chỉ khoảng từ 735 triệu đồng.
Các mẫu xe khác của Hyundai như Tucson và SantaFe cũng sẽ được giảm giá từ 10-30 triệu đồng. Ngoài ra, khách hàng được tặng kèm các gói phụ kiện chính hãng và các ưu đãi hấp dẫn.
Về Ford, hãng ô tô đình đám tới từ nước Mỹ, nhiều đại lý cũng đồng loạt áp mức giảm mạnh dành cho dòng xe Ford Everest 2019 ngay những ngày đầu tháng 8.
Trong đó, Ford Everest phiên bản Titanium 2.0L AT 4WD giảm tiền mặt 200 triệu đồng kéo giá xe hiện xuống còn 1,199 tỷ đồng, thấp chưa từng thấy. Các phiên bản Ambiente 2.0L MT 4x2, Ambiente 2.0L AT 4x2,… cũng đang có mức giảm từ 70 triệu đồng đến 120 triệu đồng.
Bên cạnh những mẫu xe nói trên, các hãng ô tô khác cũng đồng loạt ra mắt, mở bán như Honda CR-V 2020, MG HS và ZS, Mazda6 2020, Suzuki Ertiga (Sport)... ưu đãi giảm giá từ 10-50 triệu đồng để thu hút người mua.
Giảm giá, tăng khuyến mại có phải giải pháp?
Tuy có rất nhiều chính sách ưu đãi nhằm kích cầu nhưng anh Tuấn, chủ một showroom ô tô tại Mỹ Đình vẫn bày tỏ sự lo lắng về doanh số ô tô thời gian tới. Nguyên nhân là do, dịch Covid – 19 lần 2 diễn biến phức tạp, ngoài ra, thời điểm tháng Ngâu cũng khiến nhu cầu mua ô tô giảm.
"Ngoài tác động từ dịch Covid-19 tháng 7 Ngâu trùng với nửa cuối tháng 8. Theo thông lệ, tâm lý khách hàng sẽ rất e ngại khi mua xe thời gian này. Vì vậy, để kích thích sức mua không còn cách nào khác là hãng, đại lý phải giảm giá sâu, tăng cường khuyến mại. Tuy nhiên, với việc kinh tế bị ảnh hưởng từ đợt dịch lần trước, khả năng doanh số tăng là rất thấp", anh Tuấn chia sẻ.
Làn sóng Covid -19 lần 2 có thể khiến doanh số ngành ô tô thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.
Nhận định về tình trạng trên, tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), dự báo trong thời gian tới, với diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 những ngành hàng không thiết yếu sẽ gặp nhiều khó khăn.
"Nếu dịch bệnh Covid-19 lan rộng, các nhà xưởng sẽ phải cho công nhân nghỉ, nhiều nơi phong tỏa, hạn chế đi lại. Điều này ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Ngoài ra, chi phí và nỗ lực để ngăn chặn dịch cũng sẽ tăng lên. Ngược lại, sức mua giảm sút do thu nhập của người dân giảm từ đợt dịch lần trước.
Đặc biệt, người dân sẽ có tâm lý đề phòng dẫn đến một số mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm có thể không bị ảnh hưởng. Nhưng một số mặt hàng khác như quần áo, đồ gỗ, ô tô, trang thiết bị điện tử bị giảm sút, thị trường bất động sản cũng ảnh hưởng", Ts. Lê Đăng Doanh phân tích.
Phân tích thêm về thị trường ô tô nội địa trong 5 năm qua (không kể năm 2020 bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19), tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, tốc độ phát triển ngành ô tô Việt Nam cao nhất ASEAN, đạt khoảng 12 - 13%.
Tuy nhiên, dung lượng thị trường ô tô tại Việt Nam là quá nhỏ so với nhiều nước trong khu vực. Cụ thể, thị trường của Việt Nam chỉ bằng 1/4 so với Thái Lan, Indonesia và bằng 1/2 so với Malaysia.
"Xe nhập khẩu chiếm khoảng 40% số xe bán ra ở thị trường nội địa, vì vậy, dung lượng thị trường Việt Nam đã hẹp lại hẹp hơn nữa bởi xe nhập khẩu. Đây chính là trở ngại khiến công nghiệp ô tô chưa thể bứt phá để trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các hoạt động sản xuất, kinh doanh phải tạm ngừng, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, đầu ra gặp khó khăn… càng tăng thêm thách thức cho ngành công nghiệp ô tô trong nước", TS. Thành cho hay.
Trước đó, ngay từ khi dịch Covid- 19 bắt đầu quay lại, nhiều chuyên gia nhận định, doanh số sẽ giảm sút đáng kể. VAMA cũng đã dự báo, thị trường ô tô sẽ tăng trưởng âm 15%, nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài, sản lượng, doanh số ô tô tại Việt Nam có thể thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.
Theo dân trí