Do đó, nhiều ý kiến đề nghị, cần nêu rõ khái niệm, tiêu chí xác định doanh nghiệp dân tộc, cũng như đặc trưng riêng có của mô hình này tại Việt Nam, đồng thời đề xuất về cơ chế, chính sách để hỗ trợ cho việc hình thành và phát triển doanh nghiệp dân tộc; nghĩa vụ, trách nhiệm của doanh nghiệp dân tộc đối với quốc gia.
Nêu quan điểm về vấn đề này, TS Trần Minh Sơn, Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp cho biết, Nghị quyết 41-NQ/TW nêu rõ yêu cầu “có chính sách đột phá để hình thành, phát triển doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt một số ngành, lĩnh vực then chốt, trọng yếu”, tuy nhiên, thế nào là doanh nghiệp dân tộc hiện cũng còn nhiều cách hiểu khác nhau.
Trong bối cảnh chính trị và kinh tế toàn cầu có nhiều thay đổi, xuất hiện xu hướng bảo hộ gắn với các yêu cầu kỹ thuật - thương mại mới, Việt Nam cần có chính sách phát triển các doanh nghiệp có năng lực dẫn dắt để tạo động lực mới cho nền kinh tế.
Cụ thể, cần có các chính sách hỗ trợ để những doanh nghiệp “sếu đầu đàn” này có thể thực sự dẫn dắt tăng trưởng, hình thành hệ sinh thái cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng phát triển, từ đó vươn tầm quốc tế. Điều này cũng giúp hiện thực hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, bao gồm Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu để thiết lập các cơ chế ưu đãi tài chính dành riêng cho doanh nghiệp dẫn dắt nền kinh tế, doanh nghiệp dân tộc, bao gồm các quỹ hỗ trợ đầu tư, ưu đãi tín dụng và giảm thuế cho các doanh nghiệp có sản phẩm mang giá trị văn hóa dân tộc hoặc thuộc lĩnh vực trọng yếu. Ngoài ra, chính sách khuyến khích doanh nghiệp nhỏ và vừa mở rộng quy mô cũng cần được thực hiện, tạo điều kiện cho họ trở thành các doanh nghiệp dân tộc quy mô lớn dẫn dắt thị trường.
“Hoàn thiện pháp luật hướng tới việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong đối tượng doanh nghiệp này. Nhà nước nên hỗ trợ các doanh nghiệp này tiếp cận các công nghệ tiên tiến, triển khai chuyển đổi số và phát triển sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Đồng thời, các doanh nghiệp này cần được bảo vệ và hỗ trợ trong các tranh chấp thương mại quốc tế, đảm bảo lợi ích kinh tế và chủ quyền quốc gia. Hoàn thiện pháp luật để đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh”, TS Trần Minh Sơn nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, Luật sư Trần Hữu Huỳnh, nguyên Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cũng cho rằng, có nhiều quan điểm về thế nào là doanh nghiệp dân tộc, nhưng theo ông, nên tiếp cận từ góc độ sở hữu của doanh nghiệp.
Nói cách khác, doanh nghiệp dân tộc không phải là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm phần lớn. Bên cạnh đó, cũng cần xét tới các tiêu chí về lực lượng lao động; nguyên liệu trong nước; mức độ đóng góp vào nền kinh tế quốc dân; thương hiệu gắn với quốc gia; giảm phụ thuộc với doanh nghiệp nước ngoài.
Trên cơ sở đó, để phát triển doanh nghiệp dân tộc, Luật sư Trần Hữu Huỳnh đề nghị, cần có chính sách hỗ trợ của Nhà nước về tài chính, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng hệ sinh thái nội địa mạnh mẽ, khuyến khích người tiêu dùng nội địa. Đồng thời, cần thúc đẩy công nghiệp hoá về giá trị gia tăng nội địa; đổi mới công nghệ và tự động hoá; đa dạng hàng hoá xuất khẩu; phát triển thương mại quốc tế; giảm phụ thuộc vào một số thị trường chính; cải thiện môi trường đầu tư và thu hút FDI; phát triển nguồn nhân lực; chính sách đảm bảo phát triển bền vững; hội nhập quốc tế, tận dụng và không vi phạm cam kết quốc tế.
Yến Nhung