Nhật Bản cho biết đã can thiệp mua đồng yên với số tiền kỷ lục chỉ trong 1 ngày vào tháng 4 để hỗ trợ đồng nội tệ.

Dữ liệu quý do Bộ Tài chính Nhật Bản cho thấy nước này đã chi kỷ lục 5,92 nghìn tỷ yên (40,83 tỷ USD) can thiệp trong ngày 29/4 và thêm 3,87 nghìn tỷ yên nữa vào ngày 1/5.

Theo dữ liệu của bộ, trước đó, số tiền kỷ lục cho lượt can thiệp 1 ngày là 5,62 nghìn tỷ yên, được chi vào ngày 21/10/2022.

Dữ liệu mới nhất bổ sung thêm chi tiết về đợt can thiệp từ 26/4 đến 29/5. Trong giai đoạn này, Nhật Bản đã chi kỷ lục 9,79 nghìn tỷ yên (62,25 tỷ USD) nhằm hỗ trợ đồng yên.

Hai lượt can thiệp đã giúp kéo giá đồng yên khỏi mức thấp nhất 38 năm so với đồng USD nhưng vẫn không đảo ngược tình trạng suy yếu dài hạn của đồng yên sau đó.

Đông yên tiếp tục mất giá và trượt xuống mức thấp nhất trong 38 năm là 161,76 yên đổi một USD vào tháng 7. Vì thế, Tokyo phải chi thêm 5,53 nghìn tỷ yên để can thiệp thêm một lần nữa trong năm nay.

Từ cuối tháng 7, đồng yên tăng mạnh khi các nhà giao dịch vội đóng các giao dịch chênh lệch lãi suất (carry trade) sau khi một loạt dữ liệu kinh tế yếu kém của Mỹ làm dấy lên quan ngại về khả năng Mỹ rơi vào suy thoái và Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có thể cắt giảm lãi suất nhiều hơn.

Trong 3 tuần gần đây, đồng yên liên tục phục hồi, tăng 10% so với USD. Ngày 5/8, đồng tiền Nhật Bản tăng 0,8% lên 145,43 yên đổi 1 USD – mức cao nhất trong gần 7 tháng.

Dữ liệu riêng từ Bộ Tài chính công bố vào 7/8 cho thấy dự trữ ngoại hối của Nhật Bản đã giảm xuống còn 1,22 nghìn tỷ USD tính đến cuối tháng 7, giảm 12,4 tỷ USD so với một tháng trước đó.

Các nhà phân tích cho biết sự sụt giảm này đến từ việc Nhật bán trái phiếu kho bạc Mỹ để thự hiện can thiệp bán đô la và mua yên.

Y Vân - Theo Reuters