laredo-world-trade-bridge-port-of-entry.jpg

Laredo, cửa khẩu giáp biên giới Mexico và Mỹ (Ảnh: Bordernow)

Hệ thống kinh tế của Trung Quốc rất linh hoạt trong việc né tránh thuế quan của Mỹ, không ngừng sáng tạo ra cách thức xuất khẩu vào thị trường Mỹ - không trực tiếp thì gián tiếp, không từ Trung Quốc thì từ nhiều nước thứ ba.

Mexico là bước đệm được nhiều doanh nghiệp Trung Quốc chọn lựa chuyển cơ sở sản xuất đến đây, tận dụng thị trường lao động quy mô lớn; mối quan hệ tốt đẹp với Mỹ cùng với nhiều điều kiện về vị trí địa lý.

Thương mại song phương Trung Quốc và Mexico gia tăng nhanh chóng trong thời gian ngắn. Nhiều công ty Trung Quốc chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang Mexico. Các nhà sản xuất này sử dụng các công ty hậu cần bên thứ ba của Trung Quốc, cung cấp các dịch vụ như kho bãi, quản lý hàng tồn kho và vận chuyển.

Dữ liệu hải quan cho thấy sự gia tăng đáng kể về nguyên liệu thô và linh kiện từ Trung Quốc vào Mexico để sản xuất thành các mặt hàng hoàn chỉnh, sau đó được vận chuyển vào thị trường cận biên bằng đường sắt hoặc xe tải.

Dữ liệu từ công ty phân tích vận tải hàng hóa Xeneta cho thấy hoạt động buôn bán container từ Trung Quốc sang Mexico tăng 26,2% từ tháng 1-7/2024, sau khi tăng 33% vào năm 2023. VesselBot, công ty theo dõi luồng container cho biết, trong ba tháng 4,5 và 6 ghi nhận khối lượng xuất khẩu cao nhất của Mexico vào Mỹ.

Phương thức dịch chuyển này cho phép các công ty thay đổi nguồn gốc hàng hóa của sản phẩm, còn được gọi là ‘quốc tịch kinh tế” của sản phẩm. Điều này sẽ quyết định các khoản thuế và các khoản phí khác có thể được đánh vào sản phẩm đó.

Cụ thể, các công ty nhập khẩu các thành phần và nguyên liệu thô của Trung Quốc vào Mexico và sản xuất sản phẩm của họ tại Mexico sẽ có tem “Made in Mexico”, chứ không phải “Made in China”. Sau đó, sẽ tận dụng ưu đãi của USMCA (Hiệp định thương mại ba bên Mỹ, Mexico và Canada).

Peter Sand, chuyên gia phân tích tại Xeneta nói rằng, nhu cầu vận chuyển container nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mexico trong nửa đầu năm 2024 đang làm dấy lên nghi ngờ rằng tuyến đường này đã trở thành “cửa sau” vào Mỹ.

Thống kê cho thấy, trong khoảng thời gian từ 2020 - 2024 lưu lượng thương mại song phương Trung Quốc vào Mexico tăng 20% mỗi năm, trong khi kim ngạch hàng Trung Quốc vào Mỹ giảm từ 18% xuống 13,5%.

afc3b2b0-d4f8-468f-87d0-3c601057813f_d0db27ea.jpg
Nhiều hãng xe điện Trung Quốc chuyển nhà máy sang Mexico (Ảnh: SCMP)

Chính phủ Mexico đã báo cáo 36 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài vào năm 2023, tăng 27% so với năm trước. Vào năm 2024, tính đến giữa năm, con số đó là 31 tỷ USD, một kỷ lục mới của quốc gia này.

Mexico hội tụ đầy đủ điều kiện để thiết lập sản xuất quy mô lớn trong bối cảnh chủ nghĩa thuế quan, làn sóng bảo hộ trở nên phổ biến. Mexico có 13 hiệp định thương mại tự do trải dài trên 50 quốc gia đối tác.

Cả đương kim Tổng thống Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump đều coi Trung Quốc là “mối nguy thương mại”, đã áp dụng nhiều biện pháp thuế quá khắt khe. Dĩ nhiên, điều đó được viện dẫn bởi lợi ích nước Mỹ.

Tuy nhiên, càng áp dụng nhiều thuế quan và càng tạo ra nhiều sự hỗn loạn, sẽ hình thành “thị trường xám” nhiều rủi ro. Hệ quả là chính phủ Mỹ đau đầu tìm cách xử lý với các nước thứ ba. Mexico là trường hợp khó, vì nước này cùng chung với Mỹ trong cơ chế USMCA.

Trương Khắc Trà