Ngày 28/2, video tài xế xe tải băng qua hàng rào, trèo lên mái tôn để đỡ bé gái rơi từ tầng 12 của một chung cư ở Hà Nội lan truyền khắp mạng xã hội. Chỉ trong ngày, người dùng mạng xã hội đã tìm ra Facebook của anh với tên Nguyễn Ngọc Mạnh. Chỉ sau hai ngày, tài khoản của anh đã có hơn 30 nghìn lượt theo dõi, mỗi bài đăng đều thu hút hàng chục nghìn lượt tương tác.

Tuy nhiên, vài ngày sau, hàng chục tài khoản, fanpage giả mạo người hùng mọc lên. Tất cả đều để tên, ảnh đại diện và thông tin giống hệt trang cá nhân của Nguyễn Ngọc Mạnh. Có trang thu hút hàng nghìn lượt thích, mỗi bài viết thu hút hàng trăm lượng tương tác. Nhiều tài khoản giả mạo đã lợi dụng việc này để bán hàng, chạy quảng cáo, câu "like". Số khác còn chia sẻ thông tin tài khoản, ví điện tử để nhận tiền ủng hộ.

Một tài khoản Facebook mạo danh, lập kênh YouTube để câu view ngay trong bài viết chính chủ của Nguyễn Ngọc Mạnh.

Một tài khoản Facebook mạo danh, lập kênh YouTube để câu "view" ngay trong bài viết chính chủ của Nguyễn Ngọc Mạnh.

Ngày 1/3, tài khoản Thuỷ Mậu - vợ anh Nguyễn Ngọc Mạnh - phải lên Facebook đính chính: "Chồng mình chỉ dùng một tài khoản duy nhất, cũng không nhận đại diện cho các sản phẩm quảng cáo hay lập ra bất kỳ fanpage, tài khoản TikTok... Mong mọi người để ý những trường hợp lợi dụng vì gia đình không chia sẻ thông tin tài khoản cá nhân cho bất kỳ ai". Bài viết thu hút hơn 5,4 nghìn lượt thích, gần 500 lượt bình luận.

"Người hùng" Nguyễn Ngọc Mạnh cũng khẳng định nhiều người đã liên lạc, ngỏ ý muốn chuyển tiền để cảm ơn nhưng anh đều từ chối. "Ai trong tình huống của tôi cũng sẽ làm thế. Bây giờ chỉ mong mọi người để tôi được trở lại cuộc sống bình thường như trước. Mọi người hãy tập trung vào công việc của mình, đừng quan tâm đến tôi quá nhiều thế này. Nhiều người sẽ lợi dụng tôi để quảng cáo, mưu lợi riêng", Mạnh nói.

Theo ông Hoàng Tuấn, chuyên gia về marketing trên Facebook, việc mạo danh người nổi tiếng trên mạng xã hội để trục lợi ngày một nở rộ và tinh vi. Những tài khoản này sẽ tranh thủ câu "like" sau đó đổi tên, bán lại, một số còn lừa đảo, kêu gọi chuyển tiền. Người dùng có thể tự kiểm tra một tài khoản có phải giả mạo không bằng cách xem lại các mốc thời gian, nội dung chia sẻ và bình luận. Trong trường hợp bị nhắn tin hoặc kêu gọi chuyển tiền, phải gọi trực tiếp cho người nhận để xác nhận, tránh bị lừa đảo.

 

Khương Nha
Theo vnexpress.net