Đó là chia sẻ của PGS, TS Phạm Trương Hoàng, Trưởng khoa Du lịch và Khách sạn (Đại học Kinh tế Quốc dân) với Diễn đàn Doanh nghiệp.
- Việc đổi mới trong công tác đào tạo và nghiên cứu để đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 là vấn đề cấp thiết. Tuy nhiên, theo ông, việc thực hiện vẫn còn gặp nhiều thách thức ra sao?
Trước hết, phải khẳng định rằng, du lịch – một ngành công nghiệp mũi nhọn của nền kinh tế đã có những thay đổi mạnh mẽ dưới tác động của trí tuệ nhân tạo và những xu hướng toàn cầu. Trong bối cảnh đó việc đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực du lịch cũng phải thay đổi để đáp ứng yêu cầu của thời đại. Tuy nhiên, hành trình thay đổi chắc chắn đã và đang tồn tại nhiều thách thức.
Cụ thể, đội ngũ giảng dạy của các cơ sở giáo dục hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi số, đa phần việc cập nhật chương trình, công nghệ để đáp ứng yêu cầu giảng dạy của đội ngũ giảng viên chưa đáng kể. Bên cạnh đó, các chương trình đào tạo chưa bắt kịp với yêu cầu đổi mới của kỷ nguyên số. Vấn đề đầu tư công nghệ, các trang thiết bị kỹ thuật phục vụ đào tạo thường rất đắt tiền và nhanh chóng thay đổi khiến các cơ sở đào tạo thường khó theo kịp sự phát triển của ngành, dẫn đến việc đào tạo du lịch đang phổ biến tình trạng “tay không bắt giặc”.
- Từ phía nhà trường, đổi mới và nâng cấp về chất lượng giảng dạy, cơ sở vật chất được cụ thể hóa ra sao nhằm sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu phát triển của “ngành công nghiệp không khói”, thưa ông?
Để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu hội nhập và chuyển đổi số, các cơ sở đào tạo cần chủ động chuẩn hóa đội ngũ giảng viên, chương trình đào tạo, cơ sở đào tạo và đặc biệt là người học cần xác định rõ định hướng học tập, ngành nghề. Trong kỷ nguyên số, người học cần được trang bị ngoại ngữ, chuyên môn nghiệp vụ, đào tạo kiến thức văn hóa các quốc gia trong khu vực và thế giới, sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu phát triển của “ngành công nghiệp không khói”.
Với Đại học Kinh tế Quốc dân, chúng tôi đặt ra 3 định hướng rõ ràng trong quá trình giảng dạy. Đó là, nâng cao chất lượng giảng dạy ngay tại trường học, mở ra môi trường thực hành theo tiêu chuẩn quốc tế và tăng cường mối liên hệ chặt chẽ, chủ động với doanh nghiệp du lịch.
Chúng tôi đổi mới bài giảng, phương pháp giảng dạy và áp dụng môi trường học tập thông minh, tương tác trực tiếp và đẩy mạnh áp dụng công nghệ 4.0 vào thực hành.
Song song với đó, chúng tôi đẩy mạnh đào tạo tại chỗ theo nhu cầu của doanh nghiệp. Sinh viên thường xuyên được thực hành, thực tập tại doanh nghiệp, được cọ sát với yêu cầu của công việc thực tế. Doanh nghiệp cũng sẽ thường xuyên trao đổi và đóng góp ý kiến để chúng tôi xây dựng và liên tục cập nhật chương trình đào tạo cho sinh viên trong 4 năm học tập.
- Hơn lúc nào hết, việc nâng cao chất lượng đào tạo cho nhân lực du lịch càng trở nên cấp bách và nhận được sự quan tâm, đồng hành của Chính phủ và các bộ ngành, thưa ông?
Đào tạo và phát triển nguồn nhân du lịch chất lượng cao có vai trò rất quan trọng trong phát triển du lịch, đặc biệt trong định hướng đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Việc ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ mở ra những điều kiện mới mà ở đó người lao động có thể vận dụng vào công việc, phục vụ công việc một cách hiệu quả hơn. Do vậy để thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong phục hồi, phát triển nhân lực du lịch cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan ban ngành là Chính phủ, ngành du lịch – Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, các địa phương, các doanh nghiệp và tổ chức xã hội..
Có rất nhiều giải pháp khác nhau nhằm hướng đến đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao tuy nhiên sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan trong hoạt động đào tạo là quan trọng nhất. Trong quá trình đào tạo cần sự phối hợp chặt chẽ giữ người đào tạo và người học, sự phối hợp chặt chẽ với các bên như chính quyền, doanh nghiệp, tổ chức xã hội, cộng đồng,… trong mọi giai đoạn của hoạt động đào tạo.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Thao Minh Châu - Diễn đàn Doanh nghiệp