Theo báo cáo của cơ quan chức năng, thời gian qua, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không bày bán tràn lan như trước mà sau khi qua biên giới được tập kết tại các kho hàng nơi hẻo lánh, ít người qua lại hoặc nhà riêng, rồi lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh; hàng hóa được chuyển đến người tiêu dùng thông qua dịch vụ chuyển phát nhanh. Với hình thức này, đa số các thương nhân xây dựng nhiều kho hàng gần cửa khẩu và thiết lập các điểm livestream chốt đơn, các tài khoản chào hàng trung gian, địa điểm tiếp nhận đơn và chuyển hàng được bố trí ở nhiều địa điểm khác nhau.

bit-ke-ho-phat-sinh-vi-pham-tren-san-thuong-mai-dien-tu-24.3.1.1.jpg
Thời gian qua, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không bày bán tràn lan như trước mà sau khi qua biên giới được tập kết tại các kho hàng nơi hẻo lánh, ít người qua lại hoặc nhà riêng, rồi lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh - Ảnh minh họa: ITN

Thống kê cho thấy, chỉ trong 8 tháng đầu năm 2024, lực lượng Quản lý thị trường trên cả nước đã tập trung giám sát, kiểm tra 50.445 vụ, phát hiện, xử lý 35.510 vụ vi phạm. Tổng số tiền xử lý là 674 tỷ đồng (tăng 23% so với cùng kỳ năm 2023); trong đó, xử phạt vi phạm hành chính 342 tỷ đồng (tăng 20%), trị giá hàng hóa tịch thu gần 148 tỷ đồng (tăng 6%), trị giá hàng hóa tiêu hủy và buộc tiêu hủy trên 184 tỷ đồng (tăng 86%). Đã thu nộp ngân sách Nhà nước 395 tỷ đồng (tăng 11%); Chuyển Cơ quan điều tra 118 vụ có dấu hiệu hình sự (giảm 9% so với cùng kỳ năm 2023).

Chưa kể, trong 8 tháng vừa qua, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương đã chuyển thông tin hơn 500 website, ứng dụng có dấu hiệu vi phạm pháp luật tới cơ quan công an nhằm ngăn chặn thiệt hại quy mô lớn cho người dân.

Thực trạng trên không chỉ tiềm ẩn nhiều nguy hại đến người tiêu dùng, mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến đầu ra của hàng Việt trên “sân nhà”, đặc biệt là với những doanh nghiệp nội địa làm ăn chân chính. Vì vậy, để đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh, hạn chế nguy hại tiềm ẩn đối với người tiêu dùng, không ít đã đề xuất các giải pháp nhằm bịt “kẽ hở” phát sinh vi phạm trên thương mại điện tử.

bit-ke-ho-phat-sinh-vi-pham-tren-san-thuong-mai-dien-tu-24.3.1.2.jpg
Để đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh, hạn chế nguy hại tiềm ẩn đối với người tiêu dùng, không ít đã đề xuất các giải pháp nhằm bịt “kẽ hở” phát sinh vi phạm trên thương mại điện tử - Ảnh minh họa: ITN

Để ngăn chặn tình trạng lợi dụng địa điểm tiếp nhận đơn và chuyển hàng được bố trí ở nhiều địa điểm khác nhau, ông Chu Xuân Kiên - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho rằng, ngoài xử lý người vi phạm, cũng cần ràng buộc trách nhiệm đối với đơn vị vận chuyển, giao hàng chuyển phát nhanh nếu phát hiện hàng hóa không đủ các quy định về hóa đơn chứng từ...

Đồng quan điểm với đại diện Cục Quản lý thị trường Hà Nội, đại diện Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Nai cũng cho rằng, ngoài việc bổ sung trách nhiệm của các thương nhân cung cấp dịch vụ chuyển phát nhanh… cần làm rõ thêm trách nhiệm của các doanh nghiệp cung cấp sàn thương mại điện tử trong việc cùng cơ quan chức năng ngăn chặn các vi phạm khi giao dịch trên sàn của mình.

Về vấn đề này, các chuyên gia cũng khuyến nghị, cơ quan quản lý Nhà nước, cần có chiến lược đầu tư kịp thời, đúng đắn vào việc phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cấp mạng internet. Bên cạnh đó, cần có chế tài, quy định chặt chẽ trong kinh doanh thương mại điện tử nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan như: doanh nghiệp, đối tác, khách hàng...

Cần có quy định về trách nhiệm của người bán trong việc tạo điều kiện cho người tiêu dùng truy cập, tải, lưu giữ và in hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch. Để đáp ứng quy định này, các website bán hàng qua mạng cần tích hợp các giải pháp kỹ thuật nhằm đảm bảo khả năng truy cập, sao lưu chứng từ của người tiêu dùng...

Về phía doanh nghiệp phát triển, quản lý sàn thương mại điện tử, khi phát triển sản phẩm cần chú ý đến thiết kế luồng kinh doanh hợp lý, kiểm soát chặt chẽ truy xuất dữ liệu theo nguyên tắc “khách hàng truy cập thông tin với quyền hạn phù hợp định trước”. Tiếp đó, kiểm soát chặt chẽ và áp dụng các kiểm tra an toàn thông tin ngay từ khi phát triển ứng dụng và sau khi đưa vào cung cấp. Cần định kỳ tiến hành rà soát và đánh giá lại mức độ an toàn của các hệ thống của mình.

Xoay quanh vấn đề đã nêu, tại cuộc làm việc giữa Bộ trưởng Bộ Công Thương - Nguyễn Hồng Diên với Tổng cục Quản lý thị trường và UBND 63 tỉnh, thành phố mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, mục tiêu chung của công tác quản lý thị trường năm tới là tập trung đấu tranh, hạn chế tới mức thấp nhất tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, phấn đấu tạo môi trường sản xuất - kinh doanh lành mạnh, bảo vệ người tiêu dùng và thúc đẩy sản xuất trong nước.

Đồng thời đề nghị, lực lượng quản lý thị trường tập trung đấu tranh hàng giả theo tuyến, địa bàn nhất là dịp cao điểm cuối năm và Tết Nguyên đán năm 2025.

Gia Nguyễn