Đầu năm 2025, thị trường gọi xe công nghệ dậy sóng khi “tân binh” Bọlt thể hiện nhiều động thái sẵn sàng gia nhập Việt Nam. Ghi nhận, Bọlt đang ráo riết tuyển nhân sự tại các thành phố lớn (Hà Nội, Tp.HCM), kêu gọi sự hợp tác từ các tài xế.

Thêm 1 “trùm” châu Âu lăm le gia nhập

Khá lạ lẫm với Việt Nam, tuy nhiên Bọlt ở các thị trường châu Âu đang rất mạnh. Tương tự Grab, Bọlt dùng “chiêu” giá rẻ và hình ảnh trẻ trung để cạnh tranh với Uber. Song song, Bọlt tại châu Âu cũng tận dụng được hệ sinh thái dịch vụ phong phú, chiếm ưu thế tại với các dịch vụ gọi xe e-scooter và cho thuê xe e-scooter.

Bọlt cũng là công ty công nghệ “kỳ lân” được định giá lên tới 8 tỷ USD. Hiện tại, nền tảng gọi xe này đã có mặt tại trên 50 quốc gia. Bọlt đã sớm có mặt ở một số thị trường lớn ở Đông Nam Á, bao gồm Thái Lan (năm 2020) và Malaysia (tháng 11/2024).

Việc gia nhập thị trường Việt Nam của “tân binh” châu Âu này gây chú ý, khi thế trận được xem là đang xoay chuyển về phía “chủ nhà”. Năm 2024, “kỳ lân” gọi xe và giao đồ ăn Gojek quyết định tạm biệt với thị trường Việt Nam, trong khi Grab thì dần mất đi thị phần.

Cuộc đua "đốt tiền" thị trường gọi xe công nghệ Việt thêm "nóng": Grab mất dần thị phần vào tay “chủ nhà” Be và Xanh SM, năm 2025 thêm 1 “trùm” châu Âu lăm le gia nhập- Ảnh 1.

Grab mất dần miếng bánh tại Việt Nam: Be và Xanh SM đã chiếm 51% thị phần

Báo cáo “Mức độ phổ biến của ứng dụng gọi xe máy năm 2024” thực hiện bởi Q&Me ghi nhận, khoảng cách giữa Grab và các đối thủ đang thu hẹp dần với sự gia tăng người dùng từ Be và sự xuất hiện của nhân tố mới Xanh SM.

Trong đó, Grab tuy vẫn là hãng xe được người Việt sử dụng nhiều nhất nhưng thị phần đang bị lấy đi bởi hai hãng xe công nghệ thuần Việt là Be và Xanh SM…, còn Gojek đã bị đẩy xuống vị trí thứ 4 trước khi tuyên bố “rút lui”.

Thống kê của của tổ chức quốc tế Mordor Intelligence cho thấy, thị phần của Xanh SM thứ 2 toàn ngành gọi xe công nghệ tại Việt Nam. Trong khi đó, báo cáo “The Connected Consumer” quý I/2024 của Decision Lab chỉ ra, Xanh SM là top 2 ứng dụng gọi xe công nghệ được yêu thích tại Việt Nam, chiếm hơn 32% tỷ lệ thâm nhập thị trường. 

Ở khảo sát gần đây của Q&Me, 83% khách hàng hài lòng với dịch vụ ô tô điện của Xanh SM, cao hơn Grab (80%) và Be (68%). Đáng chú ý, tỷ lệ khách hàng sẵn sàng giới thiệu dịch vụ Xanh SM cũng đạt mức cao nhất, với 84% đối với taxi điện và 77% đối với xe máy điện.

Thực tế, “thế trận” mới này đã sớm được thiết lập từ năm ngoái. Một tờ báo hàng đầu châu Á đầu năm 2023 đã nhận định: Việc hợp tác giữa hãng taxi điện VinFast GSM và công ty gọi xe dựa trên công nghệ Be Group được xem là có lợi cho cả hai bên để cạnh tranh với hai “ông lớn” ngoại quốc Grab và Gojek.

Nhìn giai đoạn 4 năm qua, vào năm 2021 có đến 60% người dùng Việt thường xuyên sử dụng dịch vụ gọi xe máy của Grab, 18% lựa chọn dịch vụ gọi xe máy của Be thường xuyên. Tuy nhiên, bước sang năm 2024, thứ hạng đã có sự thay đổi khi Be vươn lên vị trí thứ hai và tăng đến 13% số lượng người dùng thường xuyên.

Bên cạnh Be, không thể bỏ qua Xanh SM – công ty của tỷ phú Phạm Nhật Vượng – chuyên các dòng xe điện. Với ưu điểm không tăng giá lúc cao điểm, xe mới, bảo vệ môi trường.

Xanh SM năm 2024 cũng nhanh chóng phủ sóng Việt Nam.

Cuộc đua "đốt tiền" thị trường gọi xe công nghệ Việt thêm "nóng": Grab mất dần thị phần vào tay “chủ nhà” Be và Xanh SM, năm 2025 thêm 1 “trùm” châu Âu lăm le gia nhập- Ảnh 2.

Kỷ nguyên mới và sự ưu tiên của GenZ không còn là "giá rẻ", khuyến mãi...

Mặt khác, Việt Nam còn được nhận định đang bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên của kinh tế xanh và công nghiệp xe điện. Trong xu hướng đó, tiêu dùng xanh đang là lựa chọn của nhiều đối tượng khách hàng, đặc biệt thế hệ trẻ, GenZ…

Tương tự, Be cũng được ưa chuộng bởi khách hàng GenZ. Báo cáo từ Q&Me thể hiện, khách hàng trong độ tuổi từ 24 - 30 tuổi có đến 46% thường xuyên sử dụng Grab, con số thường xuyên dùng Be là 43% (xấp xỉ Grab) và 14% chọn Xanh SM.

Nếu Grab thu hút tập khách bằng phân khúc giá rẻ, thì chiến lược của Be tập trung vào trải nghiệm với dịch vụ "VIP" bao gồm beCar Plus, beBike Plus (tiêu chí tuyển chọn tài xế và xe đẳng cấp hơn nhằm phục vụ tập khách hàng đông đảo hơn và ngày càng hiểu biết về công nghệ).

Chia sẻ về cuộc chơi này, một người trong cuộc cho biết: “Trong thị trường này, ngoài thu hút và giữ chân người dùng để duy trì doanh thu, các nền tảng còn phải nỗ lực giữ chân và tăng số lượng đối tác của mình (các tài xế)”. Đó là lý do mà chiến lược giá rẻ của Grab không còn hiệu nghiệm (tương tự với cách làm của Bolt tại châu Âu).

Vị này cho biết thêm, các nền tảng đang hiện diện trên thị trường đều đã nắm giữ số lượng tài xế rất lớn: Trong đó Be có khoảng 400.000 tài xế, tiếp đến là Grab với 300.000 tài xế và Xanh SM với 90.000 tài xế.

Nói về động thái gia nhập của Bọlt, thực tế vẫn chưa thể đánh giá gì. Bởi, Việt Nam như một thị trường đặc thù và thay đổi rất nhanh. Hiện, thế lực nội đang trong đà đi lên và biết liên kết với nhau. Một điều chắc chắn, theo vị này, là khi có “người chơi mới” thì người tiêu dùng sẽ tiếp tục hưởng lợi bởi những ưu đãi đi kèm chất lượng dịch vụ được nâng cao.

Mặt khác, việc Bọlt “lăm le” Việt Nam là điều dễ hiểu bởi tiềm năng thị trường còn rất lớn. Theo một báo cáo, thị trường gọi xe công nghệ Việt dự đoán đạt 2,16 tỷ USD vào năm 2029. Trong khi đó, nhiều nền tảng gọi xe hiện hữu tiếp tục phát triển những sản phẩm mới, xây dựng các liên doanh, tham gia phân khúc mới trong lĩnh vực tiêu dùng và vận tải. Ví dụ như Be đang định hướng thành siêu ứng dụng, mở thêm dịch vụ giúp việc, hay mua vé máy bay, vé tàu…

Tri Túc