Thị trường châu Âu rộng mở
EC cho biết có một số nguyên nhân dẫn tới tính trạng thiếu hụt nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế ở châu Âu.
Thứ nhất, các quốc gia EU không đầu tư đủ vào nguồn nhân lực làm trong lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe để đảm bảo mọi người đều có quyền được chăm sóc một cách chất lượng.
Thứ hai là tình trạng bỏ nghề y ở mức báo đông ở châu Âu. Theo ông Paul De Raeve, Tổng thư ký Liên đoàn Y tá châu Âu, tình trạng thiếu hụt nhân lực y tế ở châu Âu do nhiều y tá bỏ nghề, thậm chí nhiều sinh viên bỏ học các chương trình đào tạo điều dưỡng.
Thứ ba, khi dân số già đi và số bệnh mãn tính ở châu Âu tăng lên, thì nhu cầu về nhân viên y tế sẽ tiếp tục tăng.
Thứ tư, lực lượng lao động y tế đang già đi, trong khi việc đào tạo, tuyển dụng, giữ chân và đào tạo lại nhân viên y tế đang là một thách thức lớn ở châu Âu.
Bà Elizabeth Kuiper, chuyên gia phân tích chính sách y tế tại Trung tâm Chính sách châu Âu cho biết, nguyên nhân chính khiến tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực ngành y tế ở châu Âu gia tăng là do sự thiếu hụt ngân sách để phát triển năng lực cho lực lượng lao động y tế, đặc biệt là do thiếu sự hợp tác chặt chẽ giữa các Bộ trưởng Y tế và Bộ trưởng Tài chính.
Nghiên cứu gần đây do EC thực hiện đã chỉ ra rằng đến năm 2030, nhu cầu về nhân viên y tế ở EU có thể vượt quá nguồn cung tới 1,3 triệu người. Điều này có thể làm suy yếu hiệu quả của các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, dẫn đến thời gian chờ đợi khám chữa bệnh lâu hơn, chất lượng chăm sóc y tế giảm sút và gia tăng áp lực cho đội ngũ nhân viên y tế hiện tại.
Trước mắt, các quốc gia châu Âu đang tận dụng nguồn lao động nhập cư để giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân lực ngành y tế. Trong số 1.282.623 nhân viên dịch vụ y tế cộng đồng và bệnh viện toàn thời gian tại Anh vào tháng 9/2023, có tới 20,4% là người nước ngoài.
Tuy nhiên, việc sử dụng lao động di cư đã dẫn đến sự phân bổ không đồng đều, với một số khu vực đang gặp phải tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng, trong khi những khu vực khác phải tìm cách sử dụng lực lượng lao động có hiệu quả. Điều này đã và đang mang đến những lo ngại về tính bền vững của nguồn lao động.
Cơ hội nào cho Việt Nam?
Việc thiếu hụt nhân lực ngành y tế đang mở ra cơ hội học tập, làm việc cho nguồn lao động Việt Nam. Theo các doanh nghiệp tuyển dụng lao động, trong những năm gần đây, lao động có xu hướng muốn kiếm việc ở châu Âu, thay vì các thị trường truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc. Nguyên nhân là chi phí ở Nhật ngày càng tăng cao, thủ tục đi Hàn phức tạp. Trong khi đó, nhiều nước ở châu Âu đang cần nguồn nhân lực nên chính sách thu hút lao động nhập cư có nhiều thay đổi.
Bên cạnh đó, nhiều quốc gia châu Âu như Đức, Cộng hòa Séc… có các chương trình hợp tác đào tạo nhân lực làm việc trong ngành y tế một cách minh bạch, bền vững, mang lại lợi ích thiết thực cho lao động Việt Nam. Đơn cử, Công ty Tư vấn giáo dục Clevermann đưa ra mức lương của điều dưỡng viên làm việc tại Đức là hơn 3.000 Euro/tháng với điều kiện ứng viên không quá 38 tuổi, tốt nghiệp hoặc đã có bằng cao đẳng, đại học chuyên ngành điều dưỡng. Người tham gia còn được chuyển đổi văn bằng điều dưỡng Việt Nam sang văn bằng điều dưỡng của Đức…
Đáng chú ý, nhiều nước châu Âu đánh giá cao tay nghề và chuyên môn của lao động Việt Nam, cũng như đề xuất tăng cường hợp tác doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu lao động trong ngành y tế.
Trong buổi làm việc với Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng, ông Rudoilf Spotak, Tỉnh trưởng tỉnh Plzen, CH Séc, cho biết có rất nhiều lao động Việt Nam đang làm việc trong các bệnh viện tại CH Séc với nhiều vị trí khác nhau như bác sĩ, y tá, điều dưỡng... với chuyên môn tốt và tay nghề cao.
Tỉnh trưởng tỉnh Plenz đã bày tỏ mong muốn thúc đẩy hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam trong đào tạo lao động trong lĩnh vực y tế để hỗ trợ tỉnh trong việc lấp khoảng trống nhân lực; đồng thời tiến tới mở rộng sang các nước châu Âu khác do hiện nay châu Âu đang thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế.
Ông Nguyễn Nhật Anh, đồng sáng lập Công ty Đào tạo và Phát triển nhân lực Viettalents GmbH (Đức) cho biết, Đức và các quốc gia châu Âu có những chính sách ưu tiên cho các lĩnh vực cần nhân lực trình độ cao. Các doanh nghiệp cần chủ động phối hợp với các trường, cơ sở giáo dục để xây dựng các chương trình đào tạo nhân lực cho ngành y tế, trong đó có đào tạo ngoại ngữ để nâng cao chất lượng lao động trước sự cạnh tranh của nguồn nhân lực từ các quốc gia khác.
Trước đó, Đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, trong thời gian tới sẽ tăng dần số lao động qua đào tạo bài bản, ít nhất phải đào tạo 6 tháng trở lên, nâng dần tỷ lệ qua đào tạo từ 60% lên 80% vào năm 2025, tiến tới toàn bộ người đi nước ngoài lao động phải được đào tạo bài bản.
Cẩm Anh