Theo các nhà cung cấp cho Apple, Tesla, Google và Nintendo, các doanh nghiệp đã đẩy nhanh quá trình chuyển dịch sản xuất khỏi Trung Quốc trong năm nay nhằm giảm thiểu rủi ro địa chính trị dưới thời ông Trump trong nhiệm kỳ thứ hai. Ngoài việc thúc đẩy các công ty đầu tư vào Mỹ, ông Trump cũng dự kiến sẽ áp thêm thuế đối với Trung Quốc.
Hai nguồn tin trong ngành cho biết Apple đã đẩy nhanh quá trình xây dựng năng lực sản xuất tại Ấn Độ trong năm nay trong trường hợp chiến thắng của ông Trump dẫn đến việc đánh thuế nhập khẩu iPhone do Trung Quốc sản xuất.
Một nhà cung cấp khác của Apple đã tăng cường hoạt động sản xuất tại Đông Nam Á và Ấn Độ trong vài năm qua trong bối cảnh căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
"Chuỗi cung ứng chắc chắn sẽ cần phải thắt chặt và chuẩn bị cho tình trạng hỗn loạn một lần nữa. Nhưng chúng tôi đã sẵn sàng", Giám đốc điều hành công ty công nghệ giấu tên cho biết trên Asia Nikkei Review.
Một nhà cung cấp linh kiện cho Samsung Electronics đã bổ sung thêm thiết bị tại cơ sở ở Thái Lan để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng từ gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc ở Đông Nam Á. Google cũng đã yêu cầu các nhà cung cấp đẩy nhanh việc mở rộng năng lực sản xuất tại Ấn Độ trong năm nay.
Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Trump đã đe dọa sẽ áp thêm thuế đối với hàng hóa Trung Quốc và hàng nhập khẩu từ Mexico. Ông đã khơi mào cuộc chiến thương mại với Trung Quốc trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình từ năm 2016 đến năm 2020, đưa công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc Huawei Technologies vào danh sách đen và châm ngòi cho xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng lớn khỏi Trung Quốc.
"Những thay đổi trong chuỗi cung ứng công nghệ cao sẽ diễn ra nhanh hơn, lớn hơn và sâu hơn, đẩy nhanh quá trình dịch chuyển h khỏi chuỗi cung ứng của Trung Quốc", Yeo Han-koo, cựu Bộ trưởng thương mại Hàn Quốc nhận định. Ông cũng dự kiến các đồng minh của Mỹ tại châu Á sẽ gặp khó khăn trong việc hiệu chỉnh phản ứng của họ sau khi ông giành được chiến thắng quyết định trong cuộc bầu cử.
Nhưng có một số chuyên gia cũng nhìn thấy cơ hội để thiết lập lại. "Tôi nghĩ rằng với chiến thắng của ông Trump, mọi thứ lại trở về bàn đàm phán", Chris Pereira, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của công ty tư vấn iMpact và là cựu nhân viên cấp cao tại Huawei nhận định và cho rằng sẽ có thắng và thua trong quá trình đàm phán. Trung Quốc có thể cân nhắc đến việc ngồi vào bàn đàm phán để tìm ra thỏa thuận phù hợp và tìm ra những cách thức mới để hợp tác.
Sự chú ý đặc biệt tập trung vào cách chính quyền Trump sắp tới sẽ xử lý mối quan hệ với Đài Loan, một trung tâm công nghệ và bán dẫn quan trọng.
Theo Brady Wang, một nhà phân tích công nghệ của Counterpoint Research: "Chiến thắng của ông Trump có thể có nghĩa là các nhà sản xuất chip châu Á từ Đài Loan đến Hàn Quốc sẽ cần phải đầu tư nhiều hơn vào Mỹ để tránh việc trở thành mục tiêu. Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể sẽ sử dụng các chính sách hoặc các biện pháp khác để gây áp lực và thúc đẩy các nhà sản xuất chip như TSMC chuyển nhiều hoạt động sản xuất chip tiên tiến hơn sang Mỹ".
"Đúng là việc sản xuất chip tại Mỹ có thể tác động đến biên lợi nhuận của các nhà sản xuất chip. Tuy nhiên, so với rủi ro trở thành mục tiêu địa chính trị, sự đánh đổi này có thể được các nhà sản xuất chip cân nhắc", ông Wang cho biết thêm.
Các nhà sản xuất chip hàng đầu châu Á, bao gồm TSMC, Samsung và SK Hynix, đã cam kết đầu tư đáng kể vào Hoa Kỳ. Trong số các công ty Hàn Quốc, Samsung có thể cảm thấy áp lực lớn hơn SK Hynix từ chính quyền Trump, theo CW Chung, một nhà phân tích cấp cao tại Nomura.
"Samsung đã đầu tư rất nhiều vào việc xây dựng các nhà máy đúc tại Mỹ. Công ty đã cố gắng điều chỉnh khoản đầu tư của mình do thiếu khách hàng, nhưng họ không thể không thực hiện nếu ông Trump gây áp lực lên công ty", chuyên gia này cho biết.
Tuy nhiên, chuyên gia này cũng chỉ ra, ông Trump có thể không áp dụng mức thuế quan lớn đối với chip nhớ, vì cả ba nhà sản xuất chip nhớ lớn - Samsung, SK Hynix và Micron Technology - đều sản xuất chúng bên ngoài quốc gia này.
"Nếu tân Tổng thống Mỹ áp thuế đối với chip nhớ, điều đó có nghĩa là khách hàng Mỹ phải trả tiền cho chúng. Tôi không nghĩ ông ấy sẽ làm như vậy", ông lưu ý.
Đồng quan điểm, ông Miller Chang, Chủ tịch nhóm Internet vạn vật nhúng của Advantech cho biết, áp lực đầu tư sẽ không chỉ đến từ chính phủ. Dự kiến nhà sản xuất máy tính công nghiệp hàng đầu thế giới sẽ đẩy nhanh quá trình đánh giá các kế hoạch xây dựng dây chuyền sản xuất tiên tiến tại Mỹ sau chiến thắng của ông Trump.
Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất của Advantech, đóng góp hơn 30% doanh thu. Theo ông Chang, khách hàng tại đây đã yêu cầu nhiều sản phẩm được sản xuất tại Mỹ hơn trong những năm gần đây và Advantech dự kiến những yêu cầu như vậy sẽ tăng lên.
"Rõ ràng chúng tôi sẽ cần mở rộng hoạt động của mình, bao gồm cả dịch vụ và sản xuất tại Mỹ. Chúng tôi không có dây chuyền công nghệ gắn trên bề mặt (SMT) tại đây, nhưng hiện chúng tôi đang nghiêm túc cân nhắc đưa phần quy trình này vào Mỹ", ông nói thêm.
Nhưng một trong những lo ngại lớn nhất là sự không chắc chắn. Một số giám đốc điều hành ngành chip nói với Nikkei rằng quá khó để chuẩn bị sẵn sàng cho các chính sách thay đổi liên tục của ông Trump đối với Trung Quốc
"Đây là một chủ đề rất khó để chuẩn bị. Tất nhiên chúng tôi đã thảo luận về nó, nhưng chúng tôi không thể thực sự đưa ra bất kỳ kế hoạch cụ thể nào. Tổng thống Trump liên tục thay đổi và bất kỳ loại kế hoạch nào cũng không bao giờ có thể thích ứng được với những thay đổi đó", một trong những giám đốc điều hành của công ty chip cho biết.
T.H. Tung, Chủ tịch của Pegatron, một nhà cung cấp chính của Apple, Microsoft và Tesla, cũng đưa ra quan điểm thận trọng tương tự về tương lai. Ông Tung cho biết môi trường thương mại toàn cầu đã thay đổi trong vài năm qua trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ gia tăng.
"Dự kiến con đường phía trước sẽ còn gập ghềnh hơn nữa và ngành công nghiệp sẽ cần kết nối nhiều hơn để giảm thiểu rủi ro trước mọi bất ổn trong bốn năm tới", ông Tung nói.
Cẩm Anh