Theo đó, những ngày gần đây, dư luận không khỏi xôn xao về diễn biến và kết quả của những phiên đấu giá đất tại một số huyện vùng ven TP Hà Nội như: Thanh Oai, Hoài Đức,… với số lượng hồ sơ đăng ký lớn, mức giá trúng thầu tăng vọt, cao gấp hàng chục lần so với giá khởi điểm.

ngan-chan-chieu-tro-dau-co-thoi-gia-dat-24.3.1.2.jpg
Giá đất cao bất thường tại những phiên đấu giá của một số huyện vùng ven TP Hà Nội thời gian vừa qua làm dấy lên không ít lo ngại về việc tái lập hiện trạng đầu cơ, "thổi giá" đất - Ảnh minh họa

Nhìn nhận về thực tế đã nêu, nhiều ý kiến cho rằng, việc giá đất tại vị trí có cơ sở hạ tầng, tiện ích không nổi bật, ở một địa phương vùng ven, tiềm năng tăng giá ở mức bình thường nhưng lại lên tới hơn 100 triệu đồng/m2, ngang với giá đất nền tại các khu đô thị, khu vực đông dân cư có dấu hiệu bất thường, tiềm ẩn tái lập tình trạng đầu cơ, “thổi giá”…

Nếu không có giải pháp ngăn chặn kịp thời, để đất được bán đúng giá trị thật, có thể dẫn tới nguy cơ “sốt đất ảo”, hệ lụy của tình trạng này sẽ khiến giá bất động sản vốn đã cao nay lại càng tăng, kéo theo giấc mơ về nhà ở ngày càng xa vời với người dân, đặc biệt là người trẻ. Đặc biệt, khi mà mức giá đấu tăng cao “vượt xa” giá trị thật không chỉ gây khó khăn cho công tác thẩm định giá tài sản phục vụ các đợt đấu giá tiếp theo tại địa phương đấu giá mà còn tại nhiều nơi trên cả nước.

Để ngăn chặn diễn biến bất thường tại các phiên đấu giá đất, tránh tình trạng đầu cơ, “thổi giá” đất, không ít ý kiến cho rằng, Nhà nước cần sớm có thêm cơ chế kiểm soát hoạt động này bằng công cụ thuế.

ngan-chan-chieu-tro-dau-co-thoi-gia-dat-24.3.1.1.jpg
Để ngăn chặn tình trạng đầu cơ, "thổi giá" đất có thể tái diễn, nhiều ý kiến đề xuất, cần đưa công cụ thuế vào áp dụng - Ảnh minh họa

Liên quan đến vấn đề đã nêu, TS Trần Xuân Lượng - Viện phó Viện nghiên cứu và đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam cho rằng, theo kinh nghiệm quốc tế thì một biện pháp hiệu quả để ngăn chặn đầu cơ là áp dụng thuế cao đối với đất đai không sử dụng hoặc bị đầu cơ. Thuế cũng cần được áp dụng đối với các giao dịch mua bán đất ngắn hạn, nhằm giảm bớt động cơ đầu cơ và rửa tiền.

Đồng quan điểm, PGS TS Đinh Trọng Thịnh – chuyên gia kinh tế cũng nhấn mạnh, để hạn chế tình trạng “thổi giá” đất đấu giá nói riêng và đầu cơ đất nói chung, một trong những biện pháp hữu hiệu là đánh thuế cao với những tài sản không đưa vào sử dụng hoặc đưa vào sử dụng không đúng mục đích.

“Đánh thuế sử dụng đất cao hơn, thậm chí gấp 4-5 lần so với những nhà ở đã sử dụng, đó là điều chúng ta nên tính đến. Thậm chí chúng ta có thể tính đến mức như tiền thuê đối với diện tích đất và diện tích xây dựng mà chúng ta đang có”, PGS TS Đinh Trọng Thịnh đề xuất.

Đồng thời cho hay, khi chi phí sở hữu nhà đất thứ hai tăng lên, người có ý định đầu cơ phải cân nhắc kỹ hơn, sẽ giúp giảm số lượng nhà đất bỏ hoang và tăng khả năng tiếp cận nhà ở cho người có nhu cầu thực. Ngoài ra, việc đánh thuế sẽ giúp xây dựng mặt bằng giá bất động sản hợp lý, không bị thổi phồng, đẩy cao phi lý như hiện nay.

Cho ý kiến về vấn đề này mới đây, các chuyên gia của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cũng cho rằng, để hoạt động đấu giá diễn ra minh bạch, nhằm tăng nguồn thu cho ngân sách, Nhà nước cần sớm có thêm cơ chế kiểm soát hoạt động đầu cơ bằng cách áp thuế hướng tới những đối tượng tích lũy, đầu cơ thay vì những đối tượng mua bất động sản phục vụ mục đích sinh sống hay tổ chức sản xuất kinh doanh, yếu tố tài sản tích lũy sẽ giảm đi.

“Mức thuế có thể nâng cao dần với giao dịch bất động sản mà người bán có thời gian nắm giữ ngắn hay nếu chủ sở hữu không đưa bất động sản tham gia hoạt động kinh doanh, không triển khai xây dựng sau khi nhận đất…”, các chuyên gia của VARS đề xuất.

Đồng thời bày tỏ, việc đánh thuế bất động sản đúng hướng sẽ khiến người dân hạn chế hoặc không còn nhiều động lực đầu cơ bất động sản bởi cùng với chi phí lãi vay và các chi phí cơ hội khác, việc sở hữu bất động sản đầu cơ trở nên rủi ro hơn. Từ đó, việc mua đi bán lại bất động sản để ăn chênh lệch, hay tạo cung cầu ảo để thổi giá bất động sản dần trở nên vô nghĩa.

Nguồn tiền nhàn rỗi trong dân do đó sẽ được nắn dòng chảy sang các mảng sản xuất kinh doanh, tạo sản phẩm, giá trị gia tăng cho xã hội. Điều này cũng giúp thị trường bất động sản phát triển lành mạnh hơn, hiệu quả hơn về lâu dài, thay vì các cơn sốt đất, nhiễu loạn giá.

Thực tế cho thấy, đề xuất sử dụng công cụ thuế để ngăn chặn tình trạng đầu cơ, “thổi giá” đất không phải là vấn đề mới, mà trước đó, tại báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Luật Đất đai (sửa đổi) tháng 01/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã đề nghị Chính phủ khẩn trương đề xuất các quy định về mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất như yêu cầu tại Nghị quyết 18-NQ/TW của trung ương. Điều này nhằm tránh tình trạng tổ chức, cá nhân thu gom đất, cản trở khả năng tiếp cận đất đai của các nhà đầu tư khác có cùng năng lực hoặc năng lực tốt hơn để thực hiện các dự án đầu tư khi lợi thế thuộc về người đang có quyền sử dụng đất.

Đáng nói, ngay sau tình trạng giá đất cao bất thường tại các phiên đấu giá đất của nhiều huyện ven TP Hà Nội, một số chuyên gia cũng đã đề xuất, cần khởi động lại Dự án Luật Thuế bất động sản thay thế Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Theo Gia Nguyễn - Ảnh: Quốc Tuấn - Diễn đàn Doanh nghiệp