Đại diện Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) vừa cho biết Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ vừa được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ ngày 1-1-2025, có rất nhiều quy định mới.
Quy định về đổi, cấp bằng lái xe
Theo quy định hiện hành, giấy phép lái xe (GPLX) có 13 hạng, nhưng theo Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ, GPLX gồm 15 hạng.
Để quy định phân hạng mới không gây nhiều tác động và bảo đảm thực thi trong quá trình triển khai thực hiện, Cục Cảnh sát giao thông, cho biết việc cấp GPLX theo hạng mới sẽ được thực hiện đối với người cấp lần đầu kể từ ngày 1-1-2025. GPLX được cấp trước ngày luật có hiệu lực được sử dụng theo thời hạn và giá trị ghi trên GPLX, nếu cần cấp lại sẽ được chiếu theo các hạng của luật mới.
Về điểm bằng lái, Cục Cảnh sát giao thông nói năm sau mỗi GPLX sẽ có 12 điểm và sẽ bị trừ nếu vi phạm giao thông. Số điểm trừ tùy thuộc tính chất, mức độ của hành vi vi phạm.
Trường hợp bằng lái bị trừ hết điểm, tài xế không được lái xe theo giấy phép đó trong thời gian ít nhất 6 tháng. Sau đó, tài xế phải tham gia kiểm tra nội dung kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ do lực lượng Cảnh sát giao thông tổ chức, có kết quả đạt yêu cầu mới được phục hồi đủ 12 điểm.
GPLX chưa bị trừ hết điểm trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày bị trừ điểm gần nhất thì được phục hồi đủ 12 điểm. GPLX sau khi đổi, cấp lại, nâng hạng được giữ nguyên số điểm của GPLX trước đó.
Luật mới cũng quy định nếu tài xế vi phạm giao thông nhưng chưa nộp đủ tiền sẽ dừng cấp, đổi, cấp lại GPLX.
Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ cũng quy định nâng độ tuổi tối đa của người lái xe ô tô chở người (kể cả xe buýt) trên 29 chỗ (không kể chỗ của người lái xe), xe ô tô chở người giường nằm từ 55 tuổi lên 57 tuổi đối với nam, từ 50 tuổi lên đủ 55 tuổi đối với nữ.
Thời gian lái xe của người lái xe ô tô kinh doanh vận tải và vận tải nội bộ không quá 10 giờ trong một ngày, và không quá 48 giờ trong một tuần.
Nhiều vụ tai nạn giao thông do lái xe sử dụng rượu, bia
Cục Cảnh sát giao thông cũng cho biết luật mới giữ nguyên quy định 3 mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn như sau:
Điều khiển xe máy hoặc ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.
Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.
Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.
Tuy nhiên, theo dự thảo nghị định hướng dẫn luật này đang trình lên Chính phủ, Bộ Công an đề xuất đối với ô tô, cơ quan soạn thảo giữ nguyên mức 1 và mức 3 nhưng điều chỉnh tăng mức 2 từ 16-18 triệu đồng lên 18-20 triệu đồng.
Đối với xe máy, Bộ Công an đề xuất giữ nguyên mức 1, tăng mức 2 từ 4-5 triệu đồng lên 6-8 triệu đồng và mức 3 từ 6-8 triệu đồng lên 8-10 triệu đồng.
Thêm vào đó, người vi phạm nồng độ cồn mức 2 trở lên còn bị trừ sạch 12 điểm bằng lái, còn mức 1 sẽ bị trừ hết điểm bằng lái nếu tái phạm nhiều lần. Số lần tái phạm sẽ được Bộ Công an quy định ở thông tư hướng dẫn.
Đại diện Cục Cảnh sát giao thông cho hay quá trình xây dựng luật Bộ Công an và các bộ ngành đã phối hợp làm rõ những tác hại của dùng bia, rượu khi lái xe. Qua đó cho thấy tài xế sử dụng rượu, bia có thể gây tổn thương não, ức chế hệ thần kinh làm cho con người dễ bị kích động mạnh, mất chuẩn mực, phản ứng chậm chạm, giảm nhạy bén khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Thực tế, việc sử dụng rượu, bia có thể khiến người dùng bị mất tập trung khi lái xe, một số trường hợp say xỉn còn thực hiện hành vi “phóng nhanh, vượt ẩu”. Từ đó phát sinh các tình huống nguy hiểm có thể gây ra tai nạn giao thông nghiêm trọng, tai nạn giao thông liên hoàn, làm ảnh hưởng đến sự an toàn về sức khỏe, tính mạng của người điều khiển phương tiện và cả những người xung quanh.
Dẫn chứng thêm, Cục Cảnh sát giao thông cho biết chỉ tính từ tháng 6-2022 đến tháng 12-2023, toàn quốc xảy ra 5.883 vụ tai nạn giao thông đường bộ liên quan đến người điều khiển phương tiện có sử dụng rượu, bia (chiếm 17,43 % về tổng số vụ), làm chết 3.427 người (chiếm 19,14 % về tổng số người chết), bị thương 4.327 người (chiếm 19,43 % về tổng số người bị thương), làm hư hỏng 9.113 phương tiện các loại.
Như vậy, số người chết và bị thương do tai nạn giao thông đường bộ liên quan đến người điều khiển phương tiện có sử dụng rượu, bia chiếm gần 20%. Tức có 5 người chết do tai nạn giao thông đường bộ gây ra thì có 1 người chết có liên quan đến sử dụng rượu, bia.
Trong số 5.883 vụ tai nạn giao thông đường bộ liên quan đến người điều khiển phương tiện có sử dụng rượu, bia thì có 4.653 vụ tai nạn giao thông đường bộ do người điều khiển phương tiện có sử dụng rượu, bia gây ra (chiếm 79,09 % về số vụ), làm chết 2.828 người (chiếm 81,45 % về số người chết), bị thương 3.260 người (chiếm 75,34 % về số người bị thương).
Với lập luận đó, Cục Cảnh sát giao thông kết luận: “Tai nạn giao thông đường bộ liên quan đến người điều khiển phương tiện có sử dụng rượu, bia chiếm đến 80% do người điều khiển phương tiện có sử dụng rượu, bia gây ra và cũng chiếm đến 80% về số người chết và bị thương.
Vì vậy, cần cấm người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ sử dụng rượu, bia. Theo đó, hình thành thói quen, văn hoá “đã uống rượu, bia không lái xe”, đảm bảo xây dựng nền giao thông đường bộ văn minh, an toàn…”.
Năm 2023 và 10 tháng đầu năm 2024, lực lượng Cảnh sát giao thông đã kiểm tra, xử lý hơn 7,5 triệu trường hợp vi phạm giao thông đường bộ. Trong đó có 1.566.812 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (chiếm 20,65% tổng số vi phạm), tính trung bình mỗi ngày trên toàn quốc có hơn 2.300 người điều khiển phương tiện tham gia giao thông trong cơ thể có nồng độ cồn bị lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện và xử lý.
Theo Viết Long - Phi Hùng - Pháp luật