Nếu bà Kamala Harris giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới, các nhà phân tích cho biết sự tham gia sâu rộng của bà với Đông Nam Á trong thời kỳ giữ chức vụ Phó Tổng thống sẽ giúp bà có vị thế tốt để tiếp tục các chính sách của chính quyền hiện tại tại khu vực này.
Theo ông Jonathan Stromseth, Giáo sư tại Trường Chính sách Công Sanford của Đại học Duke, những kinh nghiệm ngoại giao của bà Harris được kỳ vọng sẽ mang đến những đổi mới trong chính sách đối ngoại giữa Mỹ và Đông Nam Á nếu bà lên nắm quyền Tổng thống Mỹ vào năm 2025".
Bà Harris đã tăng cường sự tham gia của mình vào khu vực khi trở lại Đông Nam Á vào năm 2022, trở thành quan chức cấp cao nhất của Mỹ đến thăm Palawan, một hòn đảo của Philippines giáp Biển Đông.
Tại đây, bà đã tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của Washington đối với Manila trong bối cảnh Trung Quốc đang có những tuyên bố cứng rắn về hàng hải.
"Chúng ta phải bảo vệ các nguyên tắc như tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, thương mại hợp pháp không bị cản trở, giải quyết tranh chấp một cách hòa bình", bà Harris phát biểu trên một tàu tuần tra của lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines.
Sau đó, bà Harris tiếp tục tích cực khẳng định sự quan tâm đến khu vực khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh ASEAN năm 2023 tại Jakarta, Indonesia. Tại đây, bà tuyên bố thành lập Trung tâm ASEAN - Mỹ đầu tiên tại Washington- một động thái được giới quan sát đánh giá sẽ góp phần củng cố sự tham gia chính thức của Mỹ với khối.
Tuy nhiên, bất chấp những sự tham gia tích cực của bà Harris vào khu vực ASEAN, một số nhà phân tích vẫn hoài nghi về chính sách đối ngoại của bà sẽ khác biệt so với thời Tổng thống Joe Biden.
“Bản thân bà Harris đã chia sẻ rất ít về suy nghĩ của riêng bà về các vấn đề chính sách đối ngoại”, Felix Chang, một thành viên cấp cao tại Viện nghiên cứu chính sách đối ngoại có trụ sở tại Hoa Kỳ, cho biết. Do đó, nhiều người tin rằng bà Harris sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách đối ngoại của chính quyền ông Biden hiện tại.
"Với tư cách là một thượng nghị sĩ, bà chủ yếu giải quyết các vấn đề trong nước như kiểm soát súng và chăm sóc sức khỏe, và rất ít khi tham gia vào các vấn đề đối ngoại," Dinna Prapto Raharja, cố vấn chính sách cấp cao về quan hệ quốc tế và là người sáng lập ra viện đào tạo và nhóm nghiên cứu độc lập Synergy Policies, cho biết.
Theo ông Dinna Prapto Raharja, trong nhiệm kỳ Phó Tổng thống của bà, những nỗ lực thực chất duy nhất của bà Harris ở nước ngoài liên quan đến khu vực Châu Mỹ Latinh và hạn chế dòng người di cư bất hợp pháp vào Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, ông Stromseth lập luận rằng việc bà Harris có nhiều chuyến thăm đến Đông Nam Á với tư cách là Phó Tổng thống đã trang bị cho bà những hiểu biết sâu sắc và vô giá về các điểm nóng địa chính trị trong khu vực, từ tham vọng của Trung Quốc đến các thách thức về khí hậu ở tiểu vùng sông Mê Kông.
"Bà Harris đã có được kinh nghiệm về các vấn đề nóng tại châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng. Đây là một lợi thế khi xây dựng các chính sách ngoại giao trong tương lai", ông Stromseth nhận định,
Bên cạnh đó, bà Harris cũng đã nhấn mạnh trong các cuộc phỏng vấn về việc Hoa Kỳ phải tăng cường sự tham gia của mình vào Đông Nam Á, một khu vực chiếm một phần ba lưu lượng vận chuyển toàn cầu và là thị trường lớn thứ tư đối với hàng xuất khẩu của Hoa Kỳ.
Nếu thắng cử, bà Harris có thể sẽ tập trung nhiều hơn vào ASEAN trong khi theo đuổi các mối quan hệ song phương với các nền kinh tế lớn như Indonesia, Việt Nam và Thái Lan về các vấn đề kinh tế.
Khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang đến gần, ông Chang bày tỏ hy vọng rằng cuộc tranh luận sắp tới giữa bà Harris và ông Trump sẽ làm rõ hơn lập trường chính sách đối ngoại của bà.
“Tôi hy vọng rằng sẽ có cái nhìn tích cực trong quan điểm cá nhân của bà Harris về Trung Quốc, Đông Nam Á và phần còn lại của thế giới. Không giống như Tổng thống Trump, bà Harris có nhiều khả năng sẽ xuất hiện trực tiếp tại các cuộc họp của ASEAN, một sự thay đổi có thể tiếp thêm sinh lực cho sự tham gia chiến lược của Washington trong khu vực", ông nói.
Cẩm Anh