untitled.jpg
Thuế quan của EU đối với xe điện Trung Quốc có thể có lợi cho Đông Nam Á và Ấn Độ. Ảnh: SCMP

Thuế nhập khẩu của EU đối với xe điện Trung Quốc có vẻ như là một cơ hội cho các nhà sản xuất Đông Nam Á và Ấn Độ do các doanh nghiệp chuyển dần các hoạt động sản xuất theo chiến lược "Trung Quốc +1".

Tuy nhiên, với sự phức tạp của các quy định về môi trường đang ngày càng tăng, điều này có thể đòi hỏi sự hợp tác giữa các công ty thay vì cạnh tranh để duy trì quyền tiếp cận thị trường.

Từ cuối năm ngoái, EU đã triển khai Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), nhằm mục đích khuyến khích các nước xuất khẩu giảm phát thải carbon bằng cách đánh thuế carbon.

Thuế này đặt ra một mức giá cho lượng khí thải carbon ẩn chứa trong một số hàng hóa nhập khẩu vào EU, từ xi măng, sắt thép cho đến phân bón.

Nhiều người coi đây là "con dao hai lưỡi" đối với các quốc gia châu Á, một mặt có thể thúc đẩy các tiến bộ về môi trường, một mặt gây gánh nặng kinh tế đè nặng lên các doanh nghiệp vừa và nhỏ nằm rải rác trong chuỗi cung ứng trong khu vực.

Hiện nay, mối lo ngại về tác động tiềm tàng của thuế carbon của EU đang ngày một tăng, đặc biệt là khi có ý kiến cho rằng Mỹ và Vương quốc Anh có thể đưa ra các hệ thống tương tự.

Điều này đã làm dấy lên cuộc tranh luận về việc liệu các biện pháp này có thể gia tăng thành chủ nghĩa bảo hộ và vi phạm các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới hay không.

Những người chỉ trích cho rằng thuế carbon của EU đã đặt gánh nặng xanh hóa chuỗi cung ứng lên các nước đang phát triển. Cụ thể, các giám đốc điều hành trong khu vực cho biết, các nhà cung cấp ở châu Á đang chịu áp lực ngày càng tăng từ các công ty Mỹ để tuân thủ yêu cầu về báo cáo phát thải Phạm vi 3, tức là lượng khí thải phát sinh ngoài quá trình sản xuất trực tiếp của nhà sản xuất.

Theo ông Vineet Mittal, Chủ tịch của Avada Group của Ấn Độ, những quy định này đang thúc đẩy các công ty phải tính toán toàn bộ lượng khí thải carbon của họ, bao gồm cả lượng khí thải phát sinh trong toàn bộ chuỗi cung ứng của họ. Do đó, các nhà sản xuất ở châu Á đang chịu áp lực phải giảm lượng khí thải carbon của mình để duy trì khả năng cạnh tranh.

Điều này dẫn đến nhu cầu về năng lượng tái tạo tăng vọt khi các nhà sản xuất trong khu vực cố gắng cải thiện hệ thống sản xuất của họ. Tuy nhiên, ông Vineet Mittal nói thêm rằng các công ty năng lượng cũng đang phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu.

Những căng thẳng và áp lực như vậy chắc chắn sẽ gia tăng đối với các nhà xuất khẩu châu Á vì họ phụ thuộc rất nhiều vào nhiên liệu hóa thạch.

Từ Ấn Độ đến Indonesia và Malaysia, một số quốc gia lớn nhất trong khu vực vẫn đang ở giai đoạn đầu của việc triển khai thực hiện các cơ chế định giá khí thải carbon.

thue-quan-xe-dien-chau-au-vneconomyautomotive.jpg
Các quy định về môi trường có thể cản trở doanh nghiệp xe điện Đông Nam Á và Ấn Độ tiếp cận thị trường EU.

Một số ngành công nghiệp, chẳng hạn như thép, có các chương trình tự nguyện kiểm soát khí thải, nhưng nhiều ngành chưa có sự chuẩn bị để đáp ứng các tiêu chuẩn của phương Tây. Nhưng tại Indonesia, quốc gia sở hữu nguồn tài nguyên niken dồi dào, đang phụ thuộc đáng kể vào than để sản xuất và chế biến.

Jamus Lim, Phó giáo sư kinh tế tại Trường Kinh doanh ESSEC, Châu Á - Thái Bình Dương, cho biết các quốc gia như Nhật Bản và Hàn Quốc có nền sản xuất tiên tiến hơn có thể ngay lập tức được hưởng lợi từ thuế nhập khẩu của EU đối với xe điện của Trung Quốc, trong khi các quốc gia như Indonesia có thể chịu thiệt hại vì họ cung cấp niken cho Trung Quốc.

Chỉ có 15 quốc gia kiểm soát phần lớn các khoáng sản quan trọng cần thiết để thúc đẩy chuỗi cung ứng từ xe điện đến năng lượng tái tạo, trong đó nguồn tài nguyên cho cả sản xuất và chế biến tập trung chủ yếu ở Trung Quốc.

Các diễn đàn khu vực như ASEAN hoặc BRICS có rất ít nỗ lực để đạt được sự đồng thuận về các vấn đề như hài hòa các quy tắc về phát thải carbon, tăng cường khả năng tiếp cận vốn hoặc đa dạng hóa các nguồn tài nguyên khoáng sản quan trọng.

Hơn nữa, hơn một nửa các quốc gia giàu có đã không thực hiện được các cam kết tài chính khí hậu theo Thỏa thuận Paris năm 2015, cho thấy sự thiếu hỗ trợ cho các nước đang phát triển trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu

Do đó, các quốc gia châu Á cần thống nhất mục đích và đưa ra tầm nhìn chung trong việc giảm thiểu dấu chân carbon. Sự hợp tác khu vực không chỉ giúp thúc đẩy phát triển công nghệ, mà còn tạo ra các tiêu chuẩn chung về môi trường và sản xuất.

Điều này sẽ giúp các quốc gia trong khu vực bảo vệ lợi ích kinh tế, góp phần vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, đồng thời đòi hỏi một sân chơi công bằng hơn cho các doanh nghiệp.

Cẩm Anh