Sau đây là phần trao đổi giữa host Đăng Việt và nhà báo Lê Tùng Anh về chủ đề: Mua xe điện tại Việt Nam, mua của ai?
Thị trường xe điện tại Việt Nam đang là “VinFast và phần còn lại”. Ngoài VinFast, ở phân khúc xe cao cấp, phổ thông phần nhiều là các mẫu xe Trung Quốc như AION, BYD, Wuling, Dongfeng, MG… Dù vậy, khách hàng của các thương hiệu này không nhiều. Vậy họ là ai, thưa anh?
Tôi cho rằng, xe điện cũng như xe xăng thôi. Xe điện không có trạm sạc cũng giống xe xăng không có cây xăng. Hiện nay nhiều người chạy xe máy dầu rất vất vả tìm kiếm dầu DO-0,001S-V, điều này đã gây ra sự bất tiện. Vì thế, nếu mua xe điện mà không có trạm sạc thực sự khó.
Xe điện sẽ còn đặc thù hơn. Đối với những người có điều kiện, có nhà riêng, có thể sạc ở nhà sẽ không phải là sự bất tiện quá lớn nhưng đối tượng khách hàng này không nhiều và thường ở ngoại thành, ở các tỉnh. Nhưng họ sẽ bị các chương trình bán hàng cực kỳ tốt của VinFast hay các hãng xe động cơ đốt trong khác thu hút.
Một thương hiệu đã ra mắt từng nhắm đến đối tượng khách hàng mà tôi vừa nói là Wuling, nhưng kết quả không thay đổi. Ngoài VinFast, họ còn gặp phải trở ngại là những hãng bán xe động cơ đốt trong khác vốn có nhiều sản phẩm hay và cũng rất tốt. Vì thế dung lượng thị trường của những hãng xe điện Trung Quốc như Wuling đã nhỏ lại càng nhỏ.
Gần đây, nhiều người dùng mạng xã hội nửa đùa nửa thật nói rằng “Xe Trung Quốc khó bán, xe điện khó bán. Vì thế các hãng xe thuần điện Trung Quốc như BYD, Wuling, AION lại càng khó bán”. Anh đồng tình với ý kiến này không?
Tôi từng thử đặt mình vào vị trí một người tiêu dùng muốn mua xe điện của Trung Quốc vì xe xăng Trung Quốc tôi đã sử dụng lâu. Nhưng, khi thử tìm ra một lý do để mua xe điện Trung Quốc, tôi thực sự không nghĩ ra lý do gì cả.
Đồng ý xe điện Trung Quốc đẹp, hiện đại, nhiều tính năng, chất lượng tốt không bàn cãi. Thế nhưng, để mua xe về sử dụng hàng ngày, tôi không có lý do gì cả. Với những người khác, tôi không biết suy nghĩ của họ như thế nào.
Tôi có một người bạn mua một chiếc BYD Atto 3 về sử dụng, đến hiện tại anh ấy vẫn vui vẻ với chiếc xe đó. Nhưng, anh ấy chỉ là một trong rất rất rất nhiều những người khác mà thôi, không đại diện cho lượng lớn những người chấp nhận việc như vậy. Thế nên, cuối cùng chúng ta vẫn chỉ thấy những lời khen trên mạng, còn từ đó biến thành khách hàng thực tiễn là ít, không thể nhiều được.
TMT Motors thừa nhận thất bại với Wuling Mini EV khi nhắm đến đối tượng khách hàng ở tỉnh. Đơn vị này hy vọng, việc ra mắt Bingo sẽ giúp họ bán được xe ở các tỉnh, nơi nhiều người muốn mua một mẫu xe kích thước lớn thay vì nhỏ như Mini EV. Anh nghĩ sao về quan điểm này?
Trước khi ra mắt Bingo, tôi từng nghĩ mẫu xe này sẽ là sự kết thúc cho chuỗi khó khăn trong lĩnh vực kinh doanh xe điện của TMT Motors.
Theo tôi, Mini EV chỉ gặp khó khăn về giá bán, còn lại về tiện nghi, khách hàng… tôi nghĩ mẫu xe này tốt. Họ vẫn đạt doanh số tương đối tốt, cho đến nay đã bán được khoảng 2.000 xe. Tôi cho rằng con số này đủ nhiều, nhất là với một sản phẩm đặc thù như thế. Nhờ đó, tôi nghĩ rằng họ là doanh nghiệp bán xe điện không phải VinFast thành công nhất Việt Nam.
Thế nhưng, bây giờ họ mang về một chiếc xe đắt tiền hơn, trang bị sạc nhanh, có một viên pin lớn có khả năng đi xa hơn… tôi lại nghĩ khả năng đi xa hơn là điểm yếu của chiếc xe đó. Bởi vì, lúc đó các chủ xe sẽ cần hạ tầng sạc nhiều hơn, cần hệ thống sạc tốt hơn, và họ cũng không mua một chiếc xe đắt tiền chỉ để đi loanh quanh xung quanh nhà như chiếc Mini EV.
Vì thế, dù lời khen dành cho Bingo rất nhiều, tôi vẫn nghĩ rằng sẽ không có sự đột phá về doanh số, khó có thể vượt qua con số mà Mini EV đạt được. Ví dụ, hãng mang về một phiên bản Mini EV mới hơn, cao cấp hơn, giá tốt hơn thì sẽ phù hợp hơn với thị trường Việt Nam ở thời điểm hiện tại.
Wuling Bingo có 4 phiên bản nhưng chỉ bán 2 bản giữa, bản thấp chạy 203km và bản cao chạy 510km chỉ ra mắt chứ không bán. Tôi thấy điều này hơi lạ. Bởi vì, có lẽ phiên bản rẻ tiền nhất sẽ phù hợp nhất, để những người đang chạy Mini EV có thể nâng cấp lên Bingo với một chi phí vừa phải. Lúc đó, vẫn có tầm hoạt động như Mini EV nhưng chiếc Bingo rộng hơn, đẹp hơn, thoải mái hơn, chở được cả gia đình trở thành sự nâng cấp xứng đáng hơn việc phải bỏ ra nhiều tiền hơn cho các mẫu xe cao cấp hơn.
VinFast đang gần như thống trị thị trường xe điện Việt Nam, xe điện Trung Quốc không phải là đối thủ của họ. Tôi cho rằng đối thủ của VinFast bây giờ là các hãng xe xăng. Vậy theo anh, cơ hội nào để thương hiệu Việt thay thế xe xăng?
Khi nhìn vào thực tế thị trường hiện nay, xe điện cũng đã và đang dần thay thế cho xe xăng rất nhiều, đặc biệt là xe VinFast. Rõ ràng, thị phần của những mẫu xe chuyên để chạy dịch vụ như Grand i10, Accent, Vios đã thấp hơn rất nhiều do bị thay thế bởi VF e34, VF 5, VF 6… Đó là các mẫu xe cho những người làm kinh doanh cảm giác sinh lời nhiều hơn so với xe xăng nên họ đã chuyển sang xe điện. Vì thế, việc xe điện thay thế xe xăng hoàn toàn có thể xảy ra, thậm chí có thể chiếm lấy phần lớn thị phần.
Bởi vì, những mẫu xe bán nhiều nhất trên thị trường chính là xe được mua về để kinh doanh dịch vụ vận tải. Các hãng xe cũng cần những mẫu xe như thế để thúc đẩy doanh số khi mà các xe mua về cho mục đích gia đình chỉ chiếm một phần rất nhỏ.
Điều mà VinFast còn thiếu là một mẫu xe có thể chở được nhiều người để chạy dịch vụ kiểu MPV 7 chỗ. Nhưng biết đâu, sang năm thôi VinFast sẽ có một mẫu xe như thế. Chúng ta đã chứng kiến nhiều sự bất ngờ từ VinFast và tương lai không ai biết trước điều gì.
Ảnh 5: Thực tế hiện nay, xe điện đang dần thay thế cho xe xăng, đặc biệt là ở phân khúc xe cho mục đích kinh doanh chạy dịch vụ. Các mẫu xe điện VinFast cho các nhà đầu tư cảm giác sinh lời nhiều hơn so với xe xăng. Trong tương lai, việc xe điện thay thế xe xăng hoàn toàn có thể xảy ra, thậm chí có thể chiếm lấy phần lớn thị phần.
VinFast cần phải chiếm thị phần lớn xe điện ở Việt Nam để làm bàn đạp tiến ra những thị trường khác. Những hãng xe điện khác cũng vậy, BYD hay Wuling luôn nói rằng họ ở tốp đầu thế giới nhưng 95-96% số xe bán ra ở thị trường Trung Quốc. Một thương hiệu khác là Tesla, sau khi nắm phần lớn thị phần xe điện ở Mỹ, hãng mới xuất khẩu đi các nước khác và thành công như bây giờ. Vì thế, VinFast cũng cần như vậy, thị trường xe trong nước dù không quá lớn nhưng dư địa để phát triển vẫn rất lớn.
VinFast mở cả trường đào tạo lái xe cho thấy họ đang làm mọi cách để tìm kiếm khách hàng, để thay đổi thói quen tiêu dùng, để khách hàng thấy rằng đi xe điện hay hơn xe xăng. Với những việc làm cụ thể đó, họ sẽ từng bước từng bước chiếm dần thị phần bán xe tại Việt Nam. Có thể, tỷ lệ % không tăng quá nhiều, nhưng thị trường ngày càng lớn, số xe điện bán ra nhờ đó ngày càng tăng. Ví dụ, họ chỉ chiếm 30% số xe toàn thị trường, nhưng số xe tương ứng 30% của năm sau sẽ lớn hơn năm trước. Tôi nghĩ là như vậy.
Cảm ơn anh Tùng Anh rất nhiều với những chia sẻ vừa rồi.
Chương trình Trên Ghế được phối hợp thực hiện bởi Đài Truyền Hình TP Hồ Chí Minh & Công ty Cổ Phần VCCorp; đơn vị hợp tác thực hiện AutoPro; đơn vị khai thác thương mại AdWheel; đơn vị đồng hành Giovanni.
Theo Thuỳ Trang - Đời sống và Pháp luật