Cụ thể là Dự án xây dựng nhà ở tái định cư tại ô đất NO15, 16 phường Thượng Thanh (quận Long Biên) và Dự án xây dựng nhà B, C khu tái định cư phường Trần Phú (quận Hoàng Mai).
Các dự án còn lại như: dự án khu nhà ở di dân giải phóng mặt bằng tại ô đất CT4 khu tái định cư tập trung Phú Diễn (quận Bắc Từ Liêm); dự án xây dựng nhà ở giải phóng mặt bằng tại nhà N01 lô đất C17 tại khu đô thị mới Cầu Giấy; dự án xây dựng nhà ở giải phóng mặt bằng ô đất ký hiệu B10/ODK3, phường Yên Sở (quận Hoàng Mai); dự án xây dựng khu nhà ở tái định cư phường Xuân La, quận Tây Hồ (nhà B)..., đã được TP Hà Nội bố trí tái định cư phục vụ cho các dự án cần giải phóng mặt bằng trên địa bàn TP.
Lý giải nguyên nhân một số dự án nhà tái định cư không được đưa vào sử dụng, lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng, quá trình đưa nhà tái định cư vào sử dụng đang gặp khó khăn, đó là do chậm giải phóng mặt bằng. Tiến độ các dự án có giải phóng mặt bằng bị chậm hoặc đang trong giai đoạn chuẩn bị thực hiện, điều tra, khảo sát, các chủ đầu tư có dự án giải phóng mặt bằng chưa trình thành phố ban hành quyết định bán nhà.
Ngoài ra, các dự án được thiết kế thi công theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn trước đây nay do thay đổi quy định về phòng cháy chữa cháy nên chưa đủ điều kiện để nghiệm thu. Hay một số dự án đã có quyết định thành lập cơ sở cách ly, thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 đến nay chưa được bàn giao lại cho chủ đầu tư để tiếp tục hoàn thiện các hạng mục còn lại nghiệm thu.
Lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho biết thêm, UBND TP đã giao Sở Y tế chủ trì cùng Bộ Tư lệnh Thủ đô và các đơn vị có liên quan khẩn trương hoàn thành việc tiếp nhận, bàn giao hoàn trả lại các cơ sở thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 tại các dự án nhà ở tái định cư.
Trước đó, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARs) cũng đề xuất, Nhà nước cần nhanh chóng rà soát, có kế hoạch đấu giá để thu hồi vốn các khu nhà tái định cư bỏ hoang.
Bên cạnh quỹ nhà bán đấu giá, Nhà nước có thể nghiên cứu ghép nhà tái định cư và nhà ở xã hội cùng một phân khúc. Các dự án tái định cư sẽ được tiếp cận nguồn vốn và lãi suất của gói tín dụng 120.000 nghìn tỉ đồng để hoàn thiện các hạng mục về hạ tầng, kỹ thuật, hạ tầng xã hội như các dự án nhà ở khác để thu hút người dân đến sinh sống.
“Cho thuê cũng là một trong những giải pháp hiệu quả để khắc phục tình trạng bỏ hoang và sử dụng không hiệu quả các tài sản này. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao nhất, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng dân cư và các nhà đầu tư” – lãnh đạo VARs nhấn mạnh.
Đan Thanh