Thời gian qua, việc mua sắm trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới bùng nổ. Lượng giao dịch hàng hóa có giá trị nhỏ đã tăng gấp nhiều lần so với trước. Gần nhất là sự xuất hiện của nhiều sàn bán hàng vào thị trường trong nước khi chưa được cấp phép hoạt động, như Temu, Shein, 1688... đặt ra vấn đề về bất cập trong quản lý, chính sách khiến Temu hay Shein vào Việt Nam mà không cần đăng ký. Vì vậy, nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ phải có thêm giải pháp tăng thu thuế của các nhà cung cấp nước ngoài trên thương mại điện tử.

tamu_anh-scmp-1-.jpeg
Nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ phải có thêm giải pháp tăng thu thuế của các nhà cung cấp nước ngoài trên thương mại điện tử - Ảnh minh họa: ITN

Theo đó, ngày 29/10, Quốc hội khóa XV đã thảo luận về Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng. Tại báo cáo giải trình, chỉnh lý, tiếp thu Dự luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ có nhiều ý kiến đề nghị thu thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ.

Theo Quyết định số 78/2010/QĐ-TTG được áp dụng hiện nay, Thủ tướng Chính phủ cho phép hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng ở khâu nhập khẩu.

Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định, với hiệu lực của Quyết định số 78/2010/QĐ-TTG chúng ta đang thất thu thuế đối với một lượng lớn hàng hóa nhập khẩu trên các nền tảng thương mại điện tử. Để tránh thất thu thuế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ nhanh chóng ban hành Nghị định và vấn đề trước mắt là cần chấm dứt hiệu lực của Quyết định số 78/2010/QĐ-TTG để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật cho việc thu thuế với thương mại điện tử đang được sửa đổi trong Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng.

Đồng quan điểm, ông Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh kiến nghị, cần quan tâm hơn nữa đối với thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng thương mại điện tử. Vì khi thu được khoản này, chúng ta sẽ tăng được đầu tư hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng Internet để giao dịch thuận lợi hơn.

Giải trình về vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, hiện nay Bộ Tài chính đã triển khai thu thuế của sàn thương mại điện tử xuyên biên giới đối với 102 nhà cung cấp của nước ngoài như Facebook, Google… Tổng số thuế đã nộp đến nay là 18.600 tỷ đồng. Đồng thời cũng triển khai thu thuế đối với các sàn thương mại điện tử trong nước. Với sàn thương mại điện tử trong nước, ngành thuế bắt đầu thu từ năm nay. Trong đó, riêng Hà Nội đã thu được khoảng 35.000 tỷ đồng tính tới đầu tháng 11/2024.

Thời gian gần đây, thị trường Việt Nam có sự gia tăng đáng kể của các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc - Ảnh minh họa: ITN
Bộ Tài chính sẽ ra mắt công cụ dùng AI để kiểm soát doanh thu và giao dịch trên các sàn thương mại điện tử - Ảnh minh họa: ITN

"Tuần sau, Bộ Tài chính sẽ ra mắt công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) để kiểm soát doanh thu, mua bán của các sàn thương mại điện tử, nhất là sàn xuyên biên giới. Đây là một trong số giải pháp của cơ quan thuế để chống thất thu qua kênh này", Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.

Đồng thời, theo ông Phớc, Chính phủ sẽ bỏ Quyết định số 78/2010/QĐ-TTG và đưa vào Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng quy định hàng hóa nhập khẩu giá trị nhỏ đều phải nộp thuế.

Liên quan đến quản lý thuế trên sàn thương mại điện tử, Tổng cục Thuế khẳng định, theo quy định Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 85/2021/NĐ-CP) thì hoạt động kinh doanh sàn thương mại điện tử là hoạt động phải được cấp phép và chịu quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.

Đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử kinh doanh trên nền tảng số có tính chất xuyên biên giới, nhà cung cấp nước ngoài nếu có phát sinh doanh thu tại Việt Nam nhưng chưa thực hiện việc đăng ký thuế, cơ quan thuế sẽ thực hiện rà soát và có các biện pháp xử lý phù hợp để đảm bảo quản lý thuế hiệu quả, minh bạch và công bằng đối với các hoạt động kinh doanh truyền thống. Trường hợp, nhà cung cấp nước ngoài chưa đúng doanh thu, cơ quan thuế sẽ thực hiện đối chiếu dữ liệu để xác định doanh thu đề nghị nhà cung cấp nước ngoài thực hiện nghĩa vụ và thực hiện thanh tra, kiểm tra theo quy định nếu có dấu hiệu gian lận, trốn thuế.

Hiện nay, Tổng cục Thuế đã và đang tiếp tục đánh giá tình hình thực tiễn quản lý thu đối với các nhà cung cấp nước ngoài và tham khảo kinh nghiệm quốc tế để tiếp tục hoàn thiện các Dự thảo Luật Quản lý thuế, Luật sửa đổi bổ sung một số luật, Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định số 123/NĐ-CP về hóa đơn để quản lý thuế đối với hoạt động này đảm bảo quản lý thuế hiệu quả, thu đúng, thu đủ đối với các nhà cung cấp nước ngoài khi thực hiện kinh doanh tại Việt Nam. Các sàn thương mại điện tử hoạt động tại Việt Nam đều được quản lý cấp phép và quản lý thuế chặt chẽ nhưng cũng tạo thuận lợi tối đa cho người nộp thuế trên cơ sở thực hiện đăng ký, kê khai và nộp thuế trên các nền tảng Cổng thông tin điện tử của ngành thuế.

Yến Nhung