Tại dự thảo "Nghị định Sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai" mới nhất, Bộ Tài nguyên Môi trường đã thay đổi nội dung theo hướng bỏ quy định cấm phân lô, bán nền với các dự án nhà ở không nằm trong địa bàn các quận nội thành của Hà Nội, TP HCM và các thành phố trực thuộc tỉnh, trung ương khác.

Trong dự thảo cũ công bố hôm tháng 4, Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra quy định theo hướng mở rộng phạm vi các khu vực không được phép thực hiện dự án phân lô, bán nền. Điều này sẽ khiến không chỉ Hà Nội, TP HCM, mà Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, cùng nhiều nơi khác đều có thể không được thực hiện dự án phân lô, bán nền. Do đó, đề xuất đã gây nhiều ý kiến trái nhiều vì cho rằng quy định không phù hợp thực tế.

Các dự án bất động sản bỏ hoang tại quận 9, TP HCM. Ảnh: Như Quỳnh. 

Các dự án bất động sản bỏ hoang tại quận 9, TP HCM. Ảnh: Như Quỳnh. 

PGS. TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế phân tích, quy định trong dự thảo cũ có thể tạo ra tác động lớn với các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản và thị trường đất nền.

Ngoài ra, ông Thịnh cho rằng, nếu siết hoạt động phân lô, bán nền sẽ tạo áp lực lớn cho cơ quan quản lý và người dân có nhu cầu về nhà, đất ở khi quỹ đất tại các quận, huyện ngoại thành Hà Nội, TP HCM và ở các tỉnh, thành phố nhỏ còn nhiều, nhu cầu phân lô, bán nền rất lớn. "Những người muốn phân lô, tách thửa để cho, tặng người thân sẽ không được phép làm vậy", ông Thịnh cho biết.

PGS. TS Trần Kim Chung - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, việc phân lô, bán nền ở những địa bàn chậm phát triển kinh tế, đô thị phát triển ở mức thấp sẽ giúp tăng cường giá đất, thu hút đầu tư vào đất đai, đô thị. Vì vậy, hoạt động kinh doanh bất động sản này vẫn cần thiết.

Với những địa phương chưa phải là đô thị, quy mô đất đai rộng, hoạt động phân lô, bán nền vẫn có thể áp dụng với yêu cầu chặt chẽ việc tuân thủ quy hoạch trong quá trình xây dựng. "Có những địa phương bắt đầu lên thành phố, đến vỉa hè còn chưa có. Nếu hạn chế phân lô, bán nền thì mọi nguồn lực đất đai sẽ nằm im, rất khó thu hút đầu tư, đồng thời hạn chế quyền lợi của người dân", ông Chung nhận xét.

Chia sẻ về thực trạng phân lô, bán nền trái phép, thậm chí lừa đảo, chiếm đoạt tài sản xảy ra ở một số địa phương thời gian qua, ông Chung cho rằng, nguyên nhân chính xuất phát từ tư duy làm ăn không chính đáng của một bộ phận doanh nghiệp và năng lực quản lý của chính quyền các cấp.

Tương tự, ông Đinh Trọng Thịnh nhận định, việc chủ đầu tư chỉ phải chi một khoản tiền không quá lớn cho xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu đã có thể chuyển nhượng quyền sử dụng đất - khiến họ nảy sinh tâm lý móc nối với một số cán bộ địa phương để thực hiện các dự án không đúng thủ tục, yêu cầu và chất lượng theo quy hoạch... Ngoài ra, nhu cầu thực tế về chỗ ở luôn ở mức cao đã dẫn tới sự xuất hiện các đối tượng đầu cơ và "cò đất", gây xáo trộn thị trường và mất an ninh trật tự tại các khu vực có phân lô, bán nền.

Vì vậy, ông cho rằng các cơ quan chức năng cần siết chặt hoạt động quản lý, giám sát để chỉ những dự án có đầy đủ pháp lý, do nhà đầu tư uy tín thực hiện mới được cấp phép. Bên cạnh đó, phải giám sát về kết cấu và tiến độ xây dựng của dự án - sau một thời gian nhất định phải hình thành khu đô thị đồng bộ hạ tầng, có dân về ở thực.

Chuyên gia này cũng đề xuất xây dựng quy định cụ thể nhằm xác định rõ những vị trí được phép phân lô ở từng địa phương, khu vực dựa trên yêu cầu quản lý, quỹ đất và quy hoạch phát triển. Đồng thời công khai thông tin về dự án phân lô, bán nền ở các địa bàn cụ thể.

Ông cũng cho rằng các cơ quan quản lý cần áp thuế hoặc phạt hành chính ở mức cao với những chủ sở hữu để đất trống lâu năm nhưng không xây dựng mới có thể chấm dứt tình trạng chủ đầu tư lập dự án nhằm phân lô, bán nền, sau đó để đất hoang hóa.

 

Hoàng Thắng
Theo vnexpress.net