Thêm vào đó, có phải quyền lực nhiều đã khiến cho trách nhiệm của những công ty này bị xem nhẹ ?

 Quyền lực và chất lượng - Các công ty kiểm toán - Ảnh 1

Quan ngại chất lượng kiểm toán

Trước khi các sai phạm bị phanh phui, SCB đã được kiểm toán bởi các tên tuổi lớn là Ernst & Young, Deloitte, và KPMG. Như vậy trong gần 10 năm (2012-2021), các cơ quan quản lý nhà nước và công chúng đã dựa vào các báo cáo kiểm toán mà tin tưởng vào sức khỏe tài chính cũng như hoạt động của ngân hàng.

Trong khi đó ở Trung Quốc, PwC bị dính tai tiếng với vụ Evergrande và PwC ở Hồng Kông vẫn tiếp tục bị điều tra bởi một số cáo buộc liên quan đến kiểm soát chất lượng kiểm toán, vi phạm các chuẩn mực nghề nghiệp. Còn ở Mỹ, 40% kết quả kiểm toán năm 2022 có ít nhất một sai sót, tỷ lệ này trong năm 2021 và 2020 lần lượt là 34% và 29%. Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) cũng liên tục phạt các công ty kiểm toán và ban lãnh đạo của các công ty này.

Mặc dù những nguyên nhân hay được nhắc đến là vì năng lực của kiểm toán viên, là trách nhiệm cá nhân của lãnh đạo công ty kiểm toán nhưng công chúng vẫn hoài nghi đây là vấn đề hệ thống. Một mặt, các công ty big four này tuyển chọn những nhân sự ưu tú nhất trên thị trường, nhưng mặt khác họ cũng chú trọng đến những nhân sự có những “mối quan hệ tốt”, đặc biệt với những người là con em của những người có ảnh hưởng lớn.

Mối quan hệ của các công ty kiểm toán này với các chính phủ, các tập đoàn lớn thường rất sâu rộng nên có không ít hợp đồng bị chất vấn, chất lượng của báo cáo không tương xứng với giá trị của hợp đồng. Ở những nước có nhiều sự minh bạch hơn thì những hợp đồng kiểu này mới có khả năng bị phát hiện, như đã từng xảy ra ở Mỹ, Úc.

Trách nhiệm bị xem nhẹ

Thị phần dịch vụ tư vấn và kiểm toán phần lớn nằm trong tay của các công ty big four, và có thể gọi đây là một trường hợp độc quyền nhóm. Các tập đoàn lớn, các chính phủ khi chuyển bên cung cấp dịch vụ thì cũng chỉ xoay quanh các đơn vị này vì không còn sự lựa chọn khác, cả khách quan lẫn chủ quan.

Đứng trước những chỉ trích, quan ngại của công chúng và sự kiểm soát chặt chẽ hơn của các cơ quan quản lý nhà nước, nhóm big four ở nhiều quốc gia đã và đang phải tìm cách thay đổi mình. Sự thay đổi quan trọng nhất có lẽ là văn hóa chính trực và tuân thủ pháp luật (integrity and compliance).

Sự độc quyền cùng với các mối quan hệ lớn mạnh với các chính phủ dường như tạo ra một lá chắn bảo vệ vững chắc, giúp cho các công ty big four được “miễn nhiễm” trong nhiều hoạt động. Kết quả kiểm tra giám sát của Ủy ban Giám sát hoạt động kế toán các công ty đại chúng Mỹ (PCAOB) cho thấy sai sót, sai phạm của các công ty big four tăng đáng kể trong những năm gần đây. Và lý do chính là các khoản phạt hay hình thức xử phạt chưa đủ tính răn đe.

Một lý do khác cũng có thể khiến cho nhóm big four không phải e ngại, dè chừng là việc có nhiều pháp nhân độc lập (member firms) ở một số quốc gia hay vùng lãnh thổ, hoạt động dưới một thương hiệu toàn cầu nhưng trách nhiệm pháp lý là riêng biệt. Nếu sai phạm phát sinh ở một nơi thì có thể “đóng cửa” và thành lập một pháp nhân khác, hay giao cho một pháp nhân khác tiếp quản như trường hợp PwC ở Nhật Bản trước đây.

Các công ty kiểm toán cũng nhận thức được vai trò của uy tín, danh tiếng trong hoạt động của mình cũng như các chi phí pháp lý phát sinh nếu có sai phạm. Thế nhưng, việc có được quyền lực và chưa bị giám sát chặt chẽ đã dần “tha hóa” các công ty big four.

Giám sát và kiểm soát kiểm toán độc lập

Vai trò của các công ty kiểm toán là rất quan trọng trong nền kinh tế vì chúng được tin tưởng để xác nhận tình hình sức khỏe tài chính của các công ty niêm yết, là một nguồn thông tin quan trọng để các nhà đầu tư dựa vào đó ra quyết định.

Tuy vậy, vấn đề xung đột lợi ích khi các công ty kiểm toán vừa đồng thời cung cấp dịch vụ tư vấn là một điều lo lắng xác đáng. Tình huống này cũng giống như “trả tiền để được kiểm định” và bên cung cấp dịch vụ lại không muốn bị mất đi khách hàng. Ngoài ra, xung đột lợi ích còn dễ xảy ra hơn khi bên được kiểm toán sử dụng dịch vụ tư vấn của bên thực hiện kiểm toán. Chính vì vậy mà việc tách bạch hoạt động tư vấn và kiểm toán đã được đặt ra ở một số nền kinh tế, hạn chế cung cấp một số dịch vụ không liên quan đến kiểm toán, và định kỳ thay đổi công ty kiểm toán.

Như đã đề cập ở trên, vấn đề của các công ty big four là sức ảnh hưởng sâu rộng, đặc biệt là ở cấp chính phủ tại nhiều quốc gia. Chính vì vậy mà việc có một ủy ban điều hành cơ quan giám sát kế toán, kiểm toán là rất cần thiết, và ủy ban này phải độc lập với chính phủ. Bên cạnh đó, cũng cần có một bộ chỉ số chất lượng kiểm toán như mô hình của Mỹ và Singapore. Theo đó, phải công khai quy trình kiểm soát và những sai phạm của đơn vị được kiểm toán, công ty kiểm toán và kiểm toán viên; các chế tài xử phạt cần minh bạch và nghiêm minh đủ sức răn đe.

Đứng trước những chỉ trích, quan ngại của công chúng và sự kiểm soát chặt chẽ hơn của các cơ quan quản lý nhà nước, nhóm big four ở nhiều quốc gia đã và đang phải tìm cách thay đổi mình. Sự thay đổi quan trọng nhất có lẽ là văn hóa chính trực và tuân thủ pháp luật (integrity and compliance).

Nhưng việc tôn trọng và thực thi những chuẩn mực, đạo đức nghề nghiệp là điều kiện cần, còn để đủ thì cũng cần có các quy định pháp luật có hiệu lực và một ủy ban giám sát độc lập.

TS. Võ Đình Trí

TBKTSG