Nhà phân tích hàng hóa kỳ cựu Jeffrey Christian, cũng là người sáng lập CPM Group, cho rằng động thái phi đô la hóa ở các quốc gia hàng đầu trong khối BRICS như Nga, Trung Quốc và Ấn Độ có thể phản tác dụng và gây tổn hại đến nền kinh tế của họ.
Dù nỗ lực phi đô la hoá đang diễn ra, sự thống trị của đồng USD có lẽ sẽ không biết mất. Ông nhấn mạnh đến mức độ phổ biến của đồng đô la trên thị trường tài chính.
Trả lời phỏng vấn của Business Insider, ông Christian nói: "Tôi nghĩ rằng phi đô la hóa là giấc mơ của một số người, nhằm chuyển sang chế độ tiền tệ đa quốc gia. Đó là một ý tưởng tuyệt vời, nhưng rất khó để thực hiện. Vì tất cả các chính phủ và quốc gia sẽ phải thay đổi cách xử lý tiền tệ”.
Nhà phân tích Christian nằm trong nhóm những người hoài nghi về phi đô la hóa ở Phố Wall. Họ cho rằng xu hướng này chỉ như một cụm từ chuyên ngành. Ông cho rằng việc phi đô la hóa là chuyện “hoang đường" và "vô nghĩa". Ông nói thêm rằng việc đồng USD có nguy cơ bị thay thế bởi một loại tiền tệ khác là không đáng lo.
Ngoài ra, nhà phân tích kỳ cựu còn chỉ ra những hậu quả kinh tế đối với những quốc gia "kiên quyết" không sử dụng đồng đô la:
1. Các vấn đề về thanh toán
Đầu tiên, các quốc gia phi đô la hóa có nguy cơ cao hơn về các vấn đề thanh toán. Ông lấy ví dụ về Ấn Độ, quốc gia đã kiên quyết mua dầu của Nga bằng rupee và dirham (loại tiền tệ của UAE) vào năm ngoái. Các nhà giao dịch cho biết điều đó đã khiến ít nhất 7 tàu chở dầu đến Ấn Độ phải quay trở lại Nga.
Các cuộc tranh cãi bắt nguồn từ thực tế là các loại tiền tệ khác không có tính thanh khoản bằng đồng USD. Đồng bạc xanh được sử dụng rộng rãi trên thị trường toàn cầu và được các ngân hàng trung ương lưu trữ.
Theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), tính đến tháng 4/2022, đồng USD được sử dụng trong 88% tổng số giao dịch tiền tệ hàng ngày. Và theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đồng USD chiếm 54% tổng dự trữ ngoại hối.
Ông Christian cho biết các loại tiền tệ khác, như đồng nhân dân tệ của Trung Quốc, bị ràng buộc bởi các biện pháp kiểm soát vốn chặt chẽ. Điều này khiến nhân dân tệ kém thanh khoản hơn và do đó kém hấp dẫn hơn đồng USD.
Ông lưu ý rằng khó có thể nhanh chóng tăng tính thanh khoản của một loại tiền tệ mà không gây ra lạm phát cao.
2. Giao dịch hạn chế
Thứ hai, các quốc gia cố gắng loại dần đồng USD có thể kìm hãm hoạt động xuất nhập khẩu của chính họ. Vì đồng USD là loại tiền tệ được giao dịch rộng rãi nhất thế giới. Việc không sử dụng loại tiền tệ này có thể hạn chế phạm vi đối tác thương mại của một quốc gia và ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.
Nga là một ví dụ điển hình. Một nhà kinh tế của UC-Berkeley cho biết, việc từ bỏ đồng USD khiến quốc gia này xa rời thị trường quốc tế hơn. Điều này có thể làm suy yếu nền kinh tế của nước Nga.
3. Mất giá
Thứ ba, các ngân hàng trung ương có nguy cơ thực hiện khoản đầu tư không tốt khi nắm giữ các loại tiền tệ khác. Vì đồng USD là kho lưu giữ giá trị vượt trội. Theo USD Index đo lường sức mạnh của đồng USD với một rổ các loại tiền tệ khác, đồng bạc xanh đã tăng giá khoảng 40% so với mức đáy năm 2011. Trong khi đó, các loại tiền tệ như nhân dân tệ đã mất giá so với đồng USD trong thập kỷ qua.
Đồng USD rất mạnh trong 20 năm qua. Vì vậy, nhà phân tích Christian lưu ý rằng việc các ngân hàng trung ương lựa chọn bán USD là sai lầm.
Ông Christian cũng không thấy "quá nhiều" quốc gia trên thế giới phi đô la hóa trên diện rộng, ngoại trừ những trường hợp như Nga.
Vì đồng USD được sử dụng rộng rãi trên thị trường tài chính, ông ước tính sẽ mất hàng thập kỷ để đồng USD thực sự bị thay thế. Các chuyên gia tiền tệ khác cũng đưa ra quan điểm tương tự. Họ cho rằng sẽ mất nhiều thời gian để lật đổ vị thế thống trị của đồng USD, vì đồng tiền này nổi tiếng là nơi trú ẩn an toàn.
Theo MI
Anh Dũng