Nhưng một lần nữa dịch bệnh đã quay trở lại mang theo nhiều lo lắng về những khó khăn phía trước cho các doanh nghiệp, đặc biệt với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME). Dù vậy, trong cuộc chiến dai sức này, doanh nghiệp không đơn độc.
Đồng hành cùng doanh nghiệp
Đứng trước những khó khăn và thử thách mà doanh nghiệp phải đối mặt sau đợt dịch COVID-19 đầu tiên, Ngân hàng Phương Đông (OCB) đã chủ động và nhanh chóng thực hiện các chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng nhà nước về việc hỗ trợ các khách hàng tiếp cận vốn vay. Đầu tháng 7 vừa qua, OCB đã tham gia Lễ ký cam kết đồng hành và hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ khôi phục kinh doanh.
Đây không phải lần đầu OCB tiếp sức cho doanh nghiệp. Ngay từ đầu năm 2020 khi dịch bệnh bùng phát, ngân hàng đã nhanh chóng triển khai hàng loạt chương trình hỗ trợ và gỡ khó cho doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm SME như gói tín dụng với lãi suất ưu đãi dành cho các lĩnh vực ưu tiên mũi nhọn; miễn phí chuyển khoản trong và ngoài hệ thống qua kênh OMNI; tặng phần mềm hóa đơn điện tử MeInvoice của MISA cho khách hàng mới... Trong đó, các gói hỗ trợ tín dụng với lãi suất rất hấp dẫn được kỳ vọng sẽ hỗ trợ phần nào cho các doanh nghiệp ổn định và duy trì hoạt động kinh doanh.
Bên cạnh đó, đầu năm 2020, OCB đã cho ra mắt kênh giao dịch trực tuyến hoàn toàn mới dành cho doanh nghiệp với tên gọi OCB SME E-Lending. Tại đây, doanh nghiệp có thể biết trước khả năng được OCB cấp vốn chính xác đến 80% thông qua việc nhập đầy đủ thông tin trên E-lending, thay vì phải đến ngân hàng bổ sung hồ sơ, hoàn tất thủ tục như trước đây mà vẫn chưa biết đủ điều kiện được vay vốn không. Ngoài ra, khách hàng đăng ký vay vốn qua E-Lending còn được giảm ngay 1%/ năm lãi suất cho vay và giảm 10% phí dịch vụ thanh toán quốc tế, bảo lãnh cũng như cam kết cho vay có điều kiện trong vòng 1 năm kể từ ngày đăng ký.
OCB cũng liên tục cho ra mắt các sản phẩm mới như "Cho vay đầu tư hệ thống điện mặt trời áp mái" và "Tài trợ doanh nghiệp thi công xây lắp" dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ với các điều kiện được "nới lỏng" thủ tục tinh gọn và linh hoạt hơn.
Nguồn dự trữ dồi dào
Đầu tháng 7 vừa qua, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới, và OCB đã thực hiện ký kết hợp đồng với gói vay 40 triệu USD, nâng tổng hạn mức tín dụng IFC cấp cho OCB lên 180 triệu USD. Khoản vay có thời hạn một năm và có thể gia hạn, nhằm mục đích tăng cường thanh khoản, hỗ trợ nguồn vốn ngắn hạn cho các doanh nghiệp, ưu tiên SME bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Ông Lý Hoài Văn, Phó Tổng Giám đốc OCB và Ông Levent Cem Egritag – Trưởng Bộ phận Đầu tư Khối các Định chế Tài chính tại Việt Nam, đại diện IFC thực hiện ký kết hợp đồng gói vay 2020.
Gói tín dụng của IFC tại thời điểm này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giúp OCB bổ sung nguồn dự trữ dồi dào, sẵn sàng tiếp sức doanh nghiệp Việt đương đầu với cuộc khủng hoảng toàn cầu chưa từng có tiền lệ.
Ông Kyle Kelhofer, Giám đốc Quốc gia của IFC tại Việt Nam, Campuchia và Lào cho biết: "Kinh nghiệm của chúng tôi từ những cú sốc trong quá khứ, trong đó có cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, đã mang đến một bài học rằng doanh nghiệp nhỏ & vừa sẽ là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi cuộc khủng hoảng hiện nay. Do đó, việc duy trì thanh khoản cho những doanh nghiệp này có vai trò quan trọng nhằm giúp duy trì việc làm và hạn chế thiệt hại về kinh tế."
"Hỗ trợ của chúng tôi không chỉ giúp OCB có thể kéo giãn thời hạn trả nợ cho nhiều khách hàng mà còn tạo điều kiện để ngân hàng cấp các khoản vay mới cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, giúp các doanh nghiệp tiếp tục hoạt động và duy trì việc làm, từ đó thúc đẩy phục hồi nền kinh tế," ông Kyle Kelhofer nói thêm.
Đánh giá mức độ ảnh hưởng của COVID-19 đến doanh nghiệp nói chung và đặc biệt là SME vẫn còn dai dẳng, Tổng Giám Đốc OCB Nguyễn Đình Tùng chia sẻ: "Để hỗ trợ tối đa cho các SME, OCB đã và đang rà soát, điều chỉnh các chương trình cho phù hợp với tình hình thực tế và tiếp tục thực thi các chính sách ưu đãi nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn thuận lợi, giúp họ khôi phục hoạt động, phần nào góp phần thúc đẩy quá trình phục hồi của nền kinh tế Việt Nam".
Theo đó, OCB sẽ ưu tiên nhóm khách hàng thuộc các ngành kinh tế chịu ảnh hưởng trực tiếp của đại dịch như du lịch, sản xuất và các ngành liên quan đến hoạt động ứng phó với dịch bệnh, đang phải đối mặt với nhu cầu tăng cao về dịch vụ, thiết bị y tế và dược phẩm.
Trước những diễn biến khó lường của tình hình dịch bệnh trong nước và thế giới, dự báo doanh nghiệp Việt sẽ còn gặp khó khăn trong việc phục hồi sản xuất kinh doanh và tìm kiếm thị trường xuất khẩu. Do đó, sự đồng hành của OCB cũng như các ngân hàng thương mại sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn thuận lợi, vượt qua khó khăn trước mắt để từng bước khôi phục sản xuất, kinh doanh./.
Theo Nhịp sống kinh tế