Trong đó, Tổng CTCP Địa ốc Sài Gòn (Saigonres, mã SGR) báo lợi nhuận giảm mạnh nhất với 93% chỉ còn hơn 2 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm. Trước đó, SGR báo lỗ ròng 14 tỷ đồng trong ba tháng đầu năm.
Đáng nói, doanh nghiệp này báo lợi nhuận lao dốc trong bối cảnh doanh thu tăng mạnh gấp gần 2,7 lần cùng kỳ đạt gần 78 tỷ đồng. Nguyên nhân kéo lùi lợi nhuận do doanh thu tăng thêm không đủ bù cho khoản sụt doanh thu tài chính.
Trong khi đó, Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp, mã DIG) khi lợi nhuận 6 tháng đầu năm đi lùi 90%, chỉ còn hơn 9 tỷ đồng, chủ yếu do khoản lỗ 117 tỷ đồng từ quý I.
Tính riêng trong quý II, doanh thu thuần của DIG đạt hơn 821 tỷ đồng, gấp 5 lần cùng kỳ. Trong đó, doanh thu kinh doanh bất động sản ghi nhận 259 tỷ đồng gấp 7,7 lần cùng kỳ. Sự tăng trưởng này đến từ việc chuyển nhượng căn hộ tại dự án Cap Saint Jacques (CSJ), chuyển nhượng nhà xây thô tại dự án Đại Phước và dự án Vị Thanh. Qua đó lãi ròng quý II gấp đến 12 lần cùng kỳ với hơn 126 tỷ đồng, bù đắp cho khoản lỗ ba tháng đầu năm.
Tương tự, CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (mã PDR) dù ghi nhận doanh thu thuần quý II/2024 gấp hơn 3 lần cùng kỳ nhưng lợi nhuận sau thuế giảm tới 82% còn gần 50 tỷ đồng.
Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc doanh thu tài chính giảm 62% còn gần 203 tỷ đồng do mất quyền kiểm soát công ty con, đồng thời giảm mạnh khoản lãi từ chuyển nhượng cổ phần công ty liên kết.
Kết quả kém khả quan trong quý II đã kéo lùi lãi ròng lũy kế 6 tháng đầu năm của PDR giảm 66% so với cùng kỳ, còn hơn 102 tỷ đồng.
Còn tại CTCP Đầu tư Nam Long (mã: NLG) ghi nhận doanh thu thuần gần 457 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, giảm 62% so với cùng kỳ. Dù doanh thu hoạt động tài chính gấp 3,2 lần cùng kỳ và tiết giảm các loại chi phí, lãi ròng của Nam Long vẫn giảm 63% còn gần 131 tỷ đồng.
Đáng nói, không ít doanh nghiệp thậm chí còn báo lỗ. Lỗ đậm nhất trong ngành bất động sản là CTCP Đầu tư LDG (mã: LDG) bởi doanh nghiệp này còn âm doanh thu.
Trong 6 tháng đầu năm, giá trị bất động sản bị trả lại của LDG lên đến 316 tỷ đồng, trong khi doanh thu bán hàng xấp xỉ 156 tỷ đồng, dẫn tới doanh thu thuần âm hơn 149 tỷ đồng nửa đầu năm. Kết quả, LDG phải chịu lỗ ròng hơn 296 tỷ đồng, đẩy lỗ lũy kế lên hơn 175 tỷ đồng tại thời điểm cuối quý II/2024.
Sau khi CEO Nguyễn Thị Như Loan bị bắt, Quốc Cường Gia Lai (mã: QCG) càng gặp khó khăn khi ghi nhận khoản lỗ nặng nhất từ năm 2012 đến nay.
Doanh thu thuần quý II giảm 41%, chỉ còn hơn 26 tỷ đồng do thị trường bất động sản nói chung còn nhiều khó khăn và chưa bước vào mùa mưa nên sản lượng điện khai thác còn thấp. Mặt khác, chi phí khấu hao và lãi vay hàng tháng không phụ thuộc vào sản lượng khai thác, dẫn đến giá vốn cao hơn doanh thu. Hệ quả là lỗ ròng hơn 16 tỷ đồng trong quý II/2024, kéo lãi ròng 6 tháng âm hơn 15 tỷ đồng.
Theo Hà Ly - An ninh tiền tệ