Hội nghị thượng đỉnh BRICS 2024, quy tụ lãnh đạo các nước thành viên, sẽ diễn ra từ 22-24/10 tại thành phố Kazan. Đây là sự kiện Moscow muốn cho thấy những nỗ lực của phương Tây nhằm cô lập Nga đã thất bại. Nga muốn các quốc gia khác hợp tác với mình để cải tổ hệ thống tài chính toàn cầu và chấm dứt sự thống trị của đồng đô la Mỹ.
Theo một tài liệu do Bộ tài chính và ngân hàng trung ương Nga chuẩn bị và được gửi tới các nhà báo trước thềm hội nghị, Nga đề xuất phát triển một hệ thống thanh toán mới dựa trên mạng lưới các ngân hàng thương mại được liên kết với nhau thông qua các ngân hàng trung ương BRICS .
Hệ thống này sẽ sử dụng công nghệ blockchain để lưu trữ và chuyển các chữ ký số token được hỗ trợ bởi các loại tiền tệ nội khối. Quá trình này sẽ cho phép các loại tiền tệ này được trao đổi dễ dàng và an toàn, loại bỏ hoàn toàn nhu cầu giao dịch bằng đô la Mỹ.
Nga coi đây là cách giải quyết các vấn đề trong thanh toán thương mại quốc tế, ngay cả với Trung Quốc – nơi các ngân hàng trong nước lo ngại rằng họ có thể chịu lệnh trừng phạt thứ cấp của Mỹ.
Yaroslav Lissovolik, người sáng lập nhóm nghiên cứu BRICS+ Analytics, cho biết việc tạo ra một hệ thống như vậy về mặt kỹ thuật là khả thi nhưng sẽ mất thời gian.
“Sau khi số lượng thành viên BRICS tăng lên đáng kể vào năm ngoái, việc đạt được sự đồng thuận có thể khó khăn hơn”, ông nói.
Trong số các sáng kiến khác nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại và đầu tư, Nga cũng đang đề xuất tạo ra một nền tảng “BRICS Clear” để thực hiện giao dịch chứng khoán.
Theo đó, Nga kêu gọi tăng cường trao đổi giữa các cơ quan xếp hạng tín dụng của các quốc gia thành viên BRICS và áp dụng một phương pháp xếp hạng chung. Tuy vậy, Moscow không đề xuất thành lập một cơ quan xếp hạng chung của BRICS.
Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mì hàng đầu thế giới, cũng đang thúc đẩy việc thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS , được hỗ trợ bởi một cơ quan định giá, để tạo ra một giải pháp thay thế cho các sàn giao dịch của phương Tây.
Đối với hội nghị thượng đỉnh, Nga kỳ vọng sẽ tiếp đón các nhà lãnh đạo từ tất cả chín thành viên BRICS và khoảng 15 quốc gia khác mong muốn hợp tác với nhóm.
BRICS ban đầu được thành lập vào năm 2006 bởi Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, với sự tham gia của Nam Phi vào năm 2011. Đầu năm nay, 4 quốc gia nữa – Ai Cập, Iran, Ethiopia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) – chính thức trở thành thành viên. Ả Rập Xê Út cũng đã được mời tham gia nhóm và tham gia các cuộc họp BRICS, nhưng chưa trở thành thành viên chính thức. Hơn 30 quốc gia, bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ, đã nộp đơn xin gia nhập khối.
Theo Reuters - Y Vân