Tuy nhiên, để nâng cao giá trị của các thương hiệu hàng Việt, bên cạnh việc cải tiến chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp buộc phải có những thay đổi mạnh mẽ cả về thiết kế bao bì, mẫu mã để nâng cao hiệu quả.
Một điều không thể phủ nhận là nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu nhập khẩu trên thị trường hiện nay dù có chất lượng kém hơn hàng Việt, nhưng lại vượt hẳn về kiểu dáng, mẫu mã. Chỉ cần dạo một vòng quanh các siêu thị, có thể thấy kiểu dáng, bao bì của nhiều mặt hàng Việt thua hàng Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc… Sự "bắt mắt", nổi trội ngay từ khi còn trên kệ chính là điều kiện giúp không ít mặt hàng nhập khẩu chiếm lĩnh thị trường. Tình trạng này đang diễn ra ở ngành sản phẩm hàng may mặc, đồ chơi trẻ em, đồ gỗ… Chị Lê Thu An (trú tại ngõ 13 phố Vương Thừa Vũ, quận Thanh Xuân) cho rằng, tiêu chí đầu tiên khi lựa chọn sản phẩm là bao bì phải đẹp, càng sang trọng, tinh tế càng có sức hút, kèm theo đó là các cam kết tiêu chuẩn chất lượng được thể hiện rõ ràng trên sản phẩm.
Là một phần quan trọng của sản phẩm, bao bì không chỉ thể hiện hình ảnh hệ thống nhận diện thương hiệu, mà còn là phương tiện để doanh nghiệp cung cấp thông tin về sản phẩm (hạn sử dụng, nơi sản xuất, thành phần sản phẩm) cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, bao bì còn giữ vai trò quan trọng giúp doanh nghiệp bảo vệ và giới thiệu sản phẩm, tăng khả năng lựa chọn mua hàng của người tiêu dùng, tạo sự cạnh tranh khác biệt so với các đối thủ trên thương trường trong cùng lĩnh vực kinh doanh.
Như nhận định của bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, một trong những điểm yếu của nhiều doanh nghiệp Việt vẫn là mẫu mã bao bì chưa sang trọng, tinh tế, khiến sản phẩm hàng hóa kém lợi thế cạnh tranh hơn so với hàng hóa nước ngoài. Trong khi đó, tâm lý của người tiêu dùng hiện nay trước tiên là chọn các sản phẩm có mẫu mã đẹp…
Theo bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội, để đáp ứng được những tiêu chuẩn của nhà phân phối uy tín buộc doanh nghiệp phải có sản phẩm chất lượng cao, nguồn gốc rõ ràng, bao bì đóng gói bảo đảm tính thẩm mỹ... Trong kế hoạch thực hiện Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài”, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội cũng đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, phát triển thương hiệu, hỗ trợ thiết kế… nhằm giúp doanh nghiệp đáp ứng được các tiêu chuẩn hiện diện trong hệ thống các siêu thị trong và ngoài nước. “Việc cải thiện thiết kế bao bì theo cách chuyên nghiệp và ấn tượng với tâm lý người mua ở mỗi ngành hàng sẽ trực tiếp thúc đẩy doanh số bán hàng, góp phần gia tăng sự hiện diện, củng cố vị thế thương hiệu của hàng Việt trên thị trường mục tiêu”, bà Nguyễn Thị Mai Anh khẳng định.
Ở góc độ người trực tiếp sản xuất, kinh doanh, chị Nguyễn Minh Nguyệt, Phó Giám đốc Công ty TNHH May Hùng Nguyệt (phường Sài Đồng, quận Long Biên) phân tích, có những sản phẩm khi mới nhìn qua người tiêu dùng đã có ấn tượng đây là sản phẩm cao cấp, an toàn, đáng tin cậy. Đó chính là sức mạnh của mẫu mã bao bì chuyên nghiệp.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Xuân Thủy, Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần Sản xuất Bảo Minh (chuyên cung cấp các sản phẩm trang trí thủ công mỹ nghệ từ nguyên liệu tự nhiên như cói, bèo, mây tre, lá cọ xuất khẩu sang Mỹ và Hàn Quốc) cho biết, người tiêu dùng nước ngoài rất chú trọng mẫu mã bao bì, do đó công ty đặc biệt chú trọng vào phong cách thiết kế bao bì sản phẩm.
Có thể nói, bao bì như “người bán hàng thầm lặng”. Chính những thông tin, kiểu dáng, màu sắc trang trí của bao bì đã làm cho hàng hóa tăng thêm giá trị, tạo sự hấp dẫn và tác động đến việc lựa chọn sản phẩm của người tiêu dùng. Vì vậy muốn phát triển độ phủ rộng của sản phẩm, các doanh nghiệp cần đầu tư xứng đáng cho những "người bán hàng" đặc biệt này.
Theo hà nội mới