Bộ trưởng Thương mại Nhật Koichi Hagiuda cho hay, hai nước đồng minh lâu năm đã nhất trí thành lập một trung tâm nghiên cứu chung mới về chất bán dẫn thế hệ tiếp theo trong cuộc họp cấp bộ trưởng kinh tế "2 cộng 2" ở Washington hôm 29/7. Cơ sở này nhằm tạo dựng một nguồn cung cấp an toàn các thành phần chiến lược như chất bán dẫn, pin, ... và sẽ mở cửa cho các quốc gia "cùng chí hướng" khác tham gia.

Ngoại trưởng và Bộ trưởng Thương mại Mỹ (phải) chụp ảnh lưu niệm với hai người đồng cấp Nhật trong buổi họp bàn ở Washington ngày 29/7. Ảnh: Reuters

Hai nước không công bố thêm chi tiết về kế hoạch, nhưng tờ Nikkei Shimbun của Nhật trước đó đưa tin, trung tâm sẽ được thành lập ở Nhật vào cuối năm nay để nghiên cứu về các vi xử lý bán dẫn 2 nanomét. Dự án sẽ bao gồm một dây chuyền sản xuất nguyên mẫu và bắt đầu sản xuất chất bán dẫn vào năm 2025.

Đài Loan (Trung Quốc) hiện sản xuất phần lớn các chất bán dẫn dưới 10 nanomét, vốn được sử dụng trong các sản phẩm như điện thoại thông minh. Hiện có nhiều lo ngại về nguy cơ xảy ra mất ổn định của nguồn cung này. Hạ viện Mỹ hôm 28/7 đã thông qua luật trợ cấp cho ngành công nghiệp bán dẫn trong nước để cạnh tranh với các nhà sản xuất của Trung Quốc và những nước khác.

Reuters dẫn lời các quan chức tại một cuộc họp báo cho biết thêm, Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo của Mỹ cũng thảo luận với Ngoại trưởng Yoshimasa Hayashi và Bộ trưởng Thương mại Hagiuda của Nhật về năng lượng và an ninh lương thực.

"Là nền kinh tế lớn thứ nhất và thứ ba thế giới, điều quan trọng là chúng ta phải cùng nhau hành động để bảo vệ trật tự kinh tế dựa trên luật lệ, một trật tự mà tất cả các quốc gia đều có thể tham gia, cạnh tranh và thịnh vượng", ông Blinken nhấn mạnh.

Theo nhà ngoại giao hàng đầu của Washington, các sự kiện thế giới gần đây, bao gồm đại dịch Covid-19 và chiến sự Nga - Ukraine đã cho thấy tính dễ bị tổn thương của các chuỗi cung ứng quan trọng, trong khi ngày càng nhiều quốc gia đang phải vật lộn với gánh nặng nợ nần do các hoạt động cho vay không bền vững và không minh bạch. 

Trong khi đó, ông Hayashi mô tả cuộc xung đột ở Ukraine là một thách thức nghiêm trọng đối với trật tự quốc tế, đồng thời đề cập đến những nỗ lực "sử dụng ảnh hưởng kinh tế một cách không công bằng và độc quyền để đạt các lợi ích chiến lược cũng như sửa đổi trật tự quốc tế hiện có". Dù không nêu tên trực tiếp, nhưng phát biểu sau của ngoại trưởng Nhật được tin ám chỉ Trung Quốc.

Tuấn Anh
Theo vietnamnet