Theo Tổng cục Thống kê, thời gian qua, sức cầu trong nước cũng như hoạt động xuất, nhập khẩu có xu hướng tăng trưởng tích cực đã thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, mở rộng đầu tư. Kết thúc quý 3, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội tăng trưởng khá - đạt 6,8%, trong đó vốn khu vực FDI tăng 10,7%, cao hơn nhiều so với mức tăng 3,9% của cùng kỳ năm trước; vốn khu vực ngoài nhà nước tăng 7,1% trong khi cùng kỳ năm trước chỉ tăng 2,1%.
Vốn đầu tư công được kỳ vọng là “vốn mồi” dẫn dắt đầu tư tư nhân, góp phần tạo việc làm, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của một số ngành lĩnh vực liên quan nhằm hỗ trợ cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Dù các Bộ, ngành, địa phương đã tập trung chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư, nhà thầu đẩy mạnh tiến độ thi công các dự án, công trình nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, đến hết 9 tháng của năm, giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 47,29% kế hoạch, thấp hơn cùng kỳ năm 2023 (51,38%).
Có 31 bộ, cơ quan trung ương và 23 địa phương có tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 9 tháng năm dưới mức trung bình của cả nước. Trong khi đó, từ nay đến hết thời hạn niên độ ngân sách năm chỉ còn hơn 3 tháng - thời gian ngắn mà kế hoạch giải ngân đầu tư công lớn. Áp lực cho chặng đua nước rút để giải ngân đầu tư công trong những tháng cuối năm là rất lớn và nặng nề.
Tổng cục Thống kê cho rằng, để huy động và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư toàn xã hội trong những tháng còn lại của năm 2024, cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp.
Thứ nhất, tiếp tục rà soát, bổ sung và hoàn thiện thể chế, tiếp tục cắt giảm thực chất điều kiện kinh doanh đang là rào cản đối với hoạt động sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp thành lập và phát triển.
Thứ hai, ban hành chính sách miễn, giảm, hoãn thuế; khoanh nợ, hỗ trợ cho vay và giảm lãi suất cho đối tượng vay vốn là các hộ kinh doanh, nuôi trồng, xuất khẩu bị thiệt hại nặng nề từ bão số 3, nhất là trong ngành nông nghiệp và thuỷ sản có thêm nguồn lực tái đầu tư, khôi phục sản xuất kinh doanh.
Thứ ba, triển khai thực hiện các dự án đầu tư công đã được giao vốn, đẩy nhanh việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư đối với các dự án, công trình chuyển tiếp; khởi công các công trình, dự án mới đã được phê duyệt đầu tư theo đúng kế hoạch đề ra. Đồng thời, xem xét chuyển vốn cho những dự án có tiến độ triển khai tốt, giải ngân nhanh, có khả năng hoàn thành trong năm 2024 nhưng chưa được bố trí đủ vốn.
Thứ tư, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các chính sách cũng như ban hành các chính sách mới về chính sách tài khóa, tiền tệ thiết thực và cụ thể đến từng đối tượng nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể phục hồi, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh. Tăng cường phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp, ngành nghề để nắm bắt các khó khăn, điểm nghẽn, đề xuất kiến nghị kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Thứ năm, nghiên cứu các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực như năng lực công nghệ, chất lượng lao động, quản lý,… Đây là cơ hội để các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tìm đến đặt hàng và hỗ trợ doanh nghiệp trong nước hoàn thiện quy trình sản xuất, tăng cơ hội liên kết.
Cuối cùng, rà soát, xử lý nhanh các thủ tục đầu tư xây dựng đối với các dự án bất động sản đã đáp ứng đủ điều kiện để các doanh nghiệp sớm triển khai dự án, tăng khả năng huy động và sử dụng vốn đầu tư. Tiếp tục có giải pháp hạ lãi suất cho vay nhằm tăng khả năng hấp thu vốn cho nền kinh tế, từ đó tăng khả năng huy động và sử dụng vốn đầu tư xã hội.
Hạnh Lê