Theo đó, quận Hà Đông đứng đầu danh sách với 5 dự án, gồm: Công trình nhà ở cao tầng tại lô đất ký hiệu CT6 (khối A và B) - Khu đô thị mới Dương Nội (khu A), phường Dương Nội do Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Cường Hà Nội làm chủ đầu tư; Tòa nhà hỗn hợp Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội tại thửa đất ký hiệu 14, lô VIII, Khu trung tâm hành chính quận Hà Đông (phường Hà Cầu) do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và thương mại Phú Thịnh làm chủ đầu tư; Dự án đầu tư xây dựng khu C - Khu đô thị mới Kiến Hưng (phường Kiến Hưng) do liên danh Công ty cổ phần Đầu tư phát triển đô thị Kiến Hưng, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Hợp Phú và Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Tín Phú làm chủ đầu tư; Chung cư cao tầng thuộc dự án Khu đô thị mới Lê Trọng Tấn - Park City (phường La Khê) do Công ty cổ phần Phát triển đô thị quốc tế Việt Nam làm chủ đầu tư; Dự án Khu đô thị mới Văn Khê mở rộng (phường La Khê) do Công ty cổ phần Sông Đà - Thăng Long làm chủ đầu tư.
|
|
Quận Nam Từ Liêm có 3 dự án: Tòa nhà HH2-1A của công trình chung cư HH2-1 thuộc dự án Công viên giải trí, trường học và tổ hợp nhà ở, thương mại dịch vụ Golden Palace A (phường Mễ Trì, phường Phú Đô) do Công ty cổ phần Đầu tư Mai Linh làm chủ đầu tư; Dự án tổ hợp căn hộ cao cấp và văn phòng làm việc Dolphin Plaza (phường Mỹ Đình 2) do Công ty cổ phần TID làm chủ đầu tư; Dự án Keangnam Hanoi Landmark Tower (phường Mễ Trì) do Tập đoàn Keangnam (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư.
Quận Thanh Xuân có 1 dự án là công trình hỗn hợp dịch vụ, văn phòng và nhà ở (số 25 đường Lê Văn Lương, phường Nhân Chính) do Công ty cổ phần Dịch vụ và kinh doanh bất động sản Hà Nội làm chủ đầu tư.
Dự án nhà ở cao tầng, văn phòng lưu trú, căn hộ du lịch và thương mại Eco Park View (Đơn nguyên A-khối căn hộ) tại một phần lô đất ký hiệu D14-Khu đô thị mới Cầu Giấy (ngõ 19 phố Duy Tân) nằm tại địa bàn hai phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy) và phường Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm).
Trước đó vào tháng 11/2019, Sở Xây dựng Hà Nội cũng công khai 16 dự án nhà trên địa bàn thành phố mà người nước ngoài được phép mua. Trong đó, có 2 dự án tại quận Thanh Xuân, 4 dự án tại quận Hà Đông, 3 dự án tại quận Long Biên, 2 dự án tại quận Cầu Giấy và 5 dự án nằm trên địa bàn các quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Gia Lâm.
Vào tháng 3/2019, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi các tỉnh, thành trực thuộc trung ương yêu cầu báo cáo tình hình sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài và Việt kiều. Các nội dung báo cáo sẽ thực hiện theo 2 giai đoạn, trước và sau thời điểm luật Nhà ở 2014 có hiệu lực. Nội dung báo cáo thể hiện tổng số tổ chức, cá nhân đã mua và sở hữu nhà, địa điểm mua.
Theo quy định, cá nhân, tổ chức nước ngoài được phép mua nhà ở tại Việt Nam với các điều kiện: Thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam; chỉ được mua nhà ở trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở của chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại; các dự án này không thuộc khu vực bảo đảm an ninh quốc phòng hoặc chỉ được mua nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài đang sở hữu nhà ở mà có nhu cầu bán lại nhà ở này trước khi hết hạn sở hữu nhà ở, không quy định người nước ngoài được mua căn hộ từ cá nhân là người Việt Nam.
Bán nhà cho người nước ngoài sai luật bị phạt tới 300 triệu
Tại Khoản 5, Điều 63 của Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ đã quy định phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 300 triệu đồng đối với chủ đầu tư có một trong các hành vi vi phạm quy định về bán nhà ở cho cá nhân, tổ chức nước ngoài như: Bán nhà ở vượt quá số lượng cá nhân, tổ chức nước ngoài được phép sở hữu theo quy định; Bán nhà ở mà theo quy định thuộc khu vực không cho phép cá nhân, tổ chức nước ngoài được sở hữu; Không gửi thông tin để đăng trên Cổng thông tin điện tử của Sở Xây dựng về nhà ở đã bán cho cá nhân, tổ chức nước ngoài.
Nhật Minh
Theo vietnamnet.vn