Theo thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo tháng 7/2022 đạt 582.635 tấn, trị giá 285,285 triệu USD; so với tháng trước giảm 19,8% về lượng và giảm 19,5% về kim ngạch.

Lũy kế 7 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt 4.067.001 tấn, trị giá gần 2 tỷ USD, so với 7 tháng đầu năm 2021 tăng 17,3% về lượng và tăng 6% về kim ngạch.

Gạo DT8 chiếm ưu thế tại thị trường Philippines

Các thị trường xuất khẩu gạo top đầu của Việt Nam 7 tháng đầu năm nay gồm Philippines, Bờ Biển Ngà và Trung Quốc.

Tháng 7/2022, xuất khẩu gạo sang thị trường Philippines đạt 354.279 tấn, trị giá 165,810 triệu USD, so với tháng 7/2021 tăng gần gấp 2 lần về lượng và tăng 1,93 lần về kim ngạch. Cộng dồn 7 tháng, xuất khẩu gạo sang thị trường này đạt 1.978.849 tấn, trị giá 924,875 triệu USD, so với cùng kỳ năm ngoái tăng 55,72% về lượng và tăng 38,92% về kim ngạch.

Theo ông Đỗ Hà Nam - Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Intimex Group, 7 tháng đầu năm xuất khẩu gạo sang Philippines tăng mạnh vì họ lo ngại Ấn Độ dừng xuất khẩu gạo nên đẩy mạnh mua gạo từ Việt Nam. Tuy lượng gạo xuất khẩu tăng mạnh nhưng kim ngạch tăng không tương xứng, do thương nhân ép giá và tính ra giá gạo xuất khẩu sang Philippines giảm chứ không tăng so với cùng kỳ năm 2021.

Cũng theo chuyên gia này, hiện người dân Philippines rất ưa chuộng gạo Đài Thơm 8 (DT8) của Việt Nam, vì chất lượng ngon, giá thành hợp lý nên cạnh tranh tốt và quan trọng là chỉ có Việt Nam mới sản xuất được DT8 nên chiếm ưu thế và giữ thị phần ổn định, dù Thái Lan "rất thèm muốn" nhưng không thể cạnh tranh được với Việt Nam gạo DT8 ở thị trường này.

Đứng thứ hai trong top thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam 7 tháng đầu năm nay là Bờ Biển Ngà, với lượng gạo xuất khẩu tháng 7/2022 đạt 74.029 tấn, trị giá 35,636 triệu USD, so với tháng 7/2021 tăng 17,52% về lượng và tăng 10,14% về kim ngạch. Cộng dồn 7 tháng đạt 396.759 tấn, trị giá 177,702 triệu USD, so với cùng kỳ năm trước tăng 48,29% về lượng và tăng 30,17% về kim ngạch.

Sụt giảm mạnh ở thị trường Trung Quốc

Đứng thứ ba là thị trường Trung Quốc với lượng gạo xuất khẩu trong tháng 7/2022 đạt 27.617 tấn, trị giá 14,534 triệu USD; so với tháng 7/2021 giảm 55,81% về lượng và giảm 50,88% về kim ngạch. Cộng dồn 7 tháng đạt 466.225 tấn, trị giá 242,735 triệu USD; so với cùng kỳ năm trước giảm 27,53% về lượng và giảm 28,22% về kim ngạch.

Kế đến là thị trường Malaysia, lượng gạo xuất khẩu trong tháng 7/2022 đạt 46.521 tấn, trị giá 22,229 triệu USD; so với tháng 7/2021 tăng 4 lần về lượng và tăng 3,06 lần về kim ngạch. Cộng dồn 7 tháng đạt 255.335 tấn gạo, trị giá 118,221 triệu USD; so với cùng kỳ năm ngoái tăng 53,19% về lượng và tăng 35,3% về kim ngạch.

Đáng chú ý, sức tăng trưởng tại thị trường Malaysia cho thấy, lượng gạo xuất khẩu sang đây trong 7 tháng đầu năm 2022 đã gần bằng cả năm 2021 (286.308 tấn).

Theo Phó chủ tịch VFA, 7 tháng đầu năm xuất khẩu gạo sang Trung Quốc giảm gần 28% là do trước giờ nước này chủ yếu nhập khẩu nếp và các loại gạo ST, nhưng do tình hình dịch bệnh người dân không được ra khỏi nhà đi chơi nên tiêu thụ các loại bánh giảm, và nhập khẩu nếp cũng giảm theo vì nếp chỉ sử dụng để làm các loại bánh. Đối với các loại gạo ST21, ST24 và ST25 sản xuất chỉ đủ tiêu dùng chỉ tiêu dùng trong nước nên không dôi ra để xuất khẩu.

"Xuất khẩu gạo sang Trung Quốc giảm mạnh nhưng không ảnh hưởng đến kết quả xuất khẩu của cả nước. Bởi ngày xưa Trung Quốc là thị trường quan trọng còn bây giờ thị trường này không lớn chỉ quanh quẩn một triệu tấn/năm, chiếm khoảng 16% tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước, và họ chỉ tập trung mua nếp và các loại gạo ST", Phó chủ tịch VFA nhấn mạnh.

Ngành gạo có thể mang về trên 3 tỷ USD với hai lợi thế

Nhiều năm trước kim ngạch xuất khẩu gạo bình quân 2,5 tỷ USD/năm, nhưng những năm gần đây do xuất khẩu phần lớn gạo chất lượng cao, giá xuất khẩu bình quân tốt hơn nên kim ngạch mang về cũng cao hơn.

Năm 2021, xuất khẩu gạo đạt 6,23 triệu tấn gạo, mang về 3,29 tỷ USD. Dự kiến năm 2022, xuất khẩu gạo có thể đạt từ 6,3 – 6,4 triệu tấn gạo, với kim ngạch trên 3 tỷ USD.

"VFA dự kiến năm 2022 xuất khẩu từ 6,3 - 6,4 triệu tấn gạo. Xét về lượng, với tiến độ giao hàng như hiện nay có thể đạt mức dự kiến, với giá trị trên 3 tỷ USD. Nhưng vấn đề quan tâm là đầu năm xuất nhiều quá đến cuối năm lại giảm thì không biết sẽ như thế nào, nhưng cơ bản có số dự báo của VFA chắc đạt được", Phó chủ tịch VFA cho biết.

Nhận định tình hình xuất khẩu gạo các tháng còn lại trong năm, Phó chủ tịch VFA cho rằng gạo Việt Nam có hai lợi thế.

Một là tạo ra được một số giống lúa chất lượng gạo cao phù hợp với người tiêu dùng ở một số nước.

Hai là có giá thành thấp so với các nước xuất khẩu khác, trong đó lợi thế lớn nhất của Việt Nam là các giống lúa ngắn ngày chỉ trong vòng khoảng 4 tháng/vụ, trong khi cùng một loại sản phẩm đó nhưng ở các nước khác thời gian gieo trồng phải mất đến 6 tháng/vụ lúa, nên chi phí sản xuất cao hơn so với gạo Việt Nam.

Đó là lợi thế cạnh tranh của gạo Việt Nam nhưng cơ bản nhất là tạo ra được những giống lúa ngắn ngày, phù hợp với điều kiện gieo trồng ở Việt Nam được người tiêu dùng các nước ưa chuộng mà các nước sản xuất khác cạnh tranh không được.

"Cái đáng khen là các nhà khoa học cũng như người nông dân đã tạo ra được một số giống lúa phù hợp với đòi hỏi của người tiêu dùng các nước, và xu hướng là Việt Nam luôn tạo ra những giống lúa mới riêng mình nhưng phù hợp với người tiêu dùng của các nước, từ đó làm cho thị trường tương đối ổn định. Ngành lúa gạo Việt Nam cần phải phát huy lợi thế này giữ vững thị trường", Phó chủ tịch VFA khuyến nghị.

Nguyễn Huyền
Theo BizLive