Một lượng tiền gửi cao kỷ lục của người dân vẫn tiếp tục chạy vào các ngân hàng thương mại, ngay cả khi lãi suất tiết kiệm chưa thực sự hấp dẫn.
Cuộc đua tăng lãi suất tiết kiệm lan rộng
Ngày 22-7, ngân hàng BIDV điều chỉnh tăng lãi suất huy động tiền gửi trực tuyến, nhưng lại giữ nguyên biểu lãi suất tiết kiệm trực tiếp tại quầy.
Theo đó, khách hàng gửi tiền trực tuyến kỳ hạn từ 6-11 tháng sẽ được cộng thêm 0,3%, lên 3,3%/năm. Còn đối với kỳ hạn gửi tiền từ 24-36 tháng được tăng thêm 0,2% so với lãi suất gửi tiếp tại quầy, ở mức 4,9%/năm.
Tuy nhiên, xét trong nhóm big 4 gồm Vietcombank, Vietinbank, BIDV và Agribank thì mức lãi suất cao nhất đối với kỳ hạn từ 24 tháng trở lên thuộc về Vietinbank. Hiện nhà băng này niêm yết lãi suất tiền gửi kỳ hạn 24-36 tháng ở mức 5%/năm.
Riêng kỳ hạn 12 tháng dù gửi online hay trực tuyến thì cả 4 ngân hàng lớn đều giữ nguyên ở mức 4,6 - 4,7%/năm, không thay đổi trong 3 tháng trở lại đây.
Trong đánh giá về triển vọng kinh tế trong nửa cuối năm nay do Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) vừa công bố cho rằng, lãi suất tiết kiệm sẽ tiếp tục tăng thêm 0,5% từ nay cho tới cuối năm, lên mức quanh vùng đáy Covid-19 giai đoạn 2020-2021. Bên cạnh đó, KBSV cũng chỉ ra những yếu tố trọng yếu tác động tới mặt bằng lãi suất huy động.
Thứ nhất là tỉ giá trong quý 3 vẫn sẽ biến động trồi sụt, mặc dù rủi ro tăng mạnh trở lại không còn đáng ngại.
Do đó, NHNN vẫn sẽ duy trì định hướng giữ nền lãi suất liên ngân hàng ở mức cao vừa đủ để hạn chế kinh doanh chênh lệch lãi suất (carry trade). Song song đó là giải pháp bán USD để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trong bối cảnh nhập khẩu được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.
"Những điều này sẽ tác động trực tiếp đến thanh khoản hệ thống và làm tăng lãi suất huy động ở thị trường 1. Đặc biệt là ở nhóm ngân hàng thương mại tư nhân vừa và nhỏ có nguồn huy động kém linh hoạt và các ngân hàng ghi nhận tăng trưởng tín dụng tốt", KBSV nêu quan điểm.
Thứ hai là cầu tín dụng kỳ vọng hồi phục kéo theo nhu cầu huy động vốn, từ đó khiến đà tăng của lãi suất huy động tiếp diễn vào cuối năm. Trên thực tế, tín dụng trong quý 2 đã ghi nhận sự cải thiện, tính đến ngày 30-6 đạt 6% so với đầu năm, chủ yếu được dẫn dắt bởi nhóm bất động sản và cho vay phát triển cơ sở hạ tầng.
Trước thực trạng đó, KBSV cũng đưa ra dự báo về lãi suất cho vay trong hai quý còn lại của năm nay. Theo tổ chức này, khi chi phí vốn tăng, cộng thêm với việc lãi suất cho vay đã tạo đáy, nên nhiều khả năng sẽ đi ngang hoặc nhích nhẹ vào cuối năm. Mức tăng cụ thể sẽ phụ thuộc vào từng ngân hàng. Nhóm ngân hàng quốc doanh do có vai trò hỗ trợ kinh tế sẽ giữ lãi suất cho vay thấp tương đối, trong khi các ngân hàng tư nhân có xu hướng tăng lãi suất để điều chỉnh phù hợp với sự tăng của lãi suất đầu vào.
Bên cạnh đó, nợ xấu vẫn là một vấn đề cần lưu tâm khi bộ đệm dự phòng của các ngân hàng đã bị thu hẹp đáng kể. Trong khi Thông tư 02 sẽ hết hiệu lực vào cuối năm 2024 có thể khiến nhiều khách hàng bị nhảy nhóm nợ, khiến lãi suất cho vay phải được điều chỉnh hợp lý để cân đối với rủi ro của khách hàng.
Lượng tiền gửi cao kỷ lục
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng vừa công bố số liệu thống kê liên quan đến Tổng phương tiện thanh toán và tiền gửi của khách hàng tại tổ chức tín dụng (TCTD) tháng 4/2024.
Theo đó, tổng phương tiện thanh toán đến cuối tháng 4 vừa qua đạt hơn 16 triệu tỉ đồng, tăng 0,13% so với đầu năm. Riêng tiền gửi của khách hàng tại hệ thống TCTD đạt hơn 13,4 triệu tỉ đồng, tăng hơn 120.000 tỉ đồng trong tháng 4.
Dựa trên số liệu vừa công bố, Hiệp hội ngân hàng Việt Nam (VNBA) nhận thấy, cả tiền gửi tổ chức kinh tế và dân cư đều tăng trưởng dương trong tháng 4. Cụ thể, tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng hơn 81.000 tỉ đồng trong tháng 4, đạt hơn 6,7 triệu tỉ đồng. Tuy nhiên do sụt giảm khá mạnh trong tháng 1 và tháng 2 nên tính chung trong 4 tháng, tiền gửi của tổ chức kinh tế vẫn ghi nhận sụt giảm hơn 133.000 tỉ đồng (tương đương giảm 1,95%).
"Bất chấp lãi suất thấp kỷ lục giai đoạn đầu năm, tiền gửi tại hệ thống ngân hàng tiếp tục tăng trưởng. Tuy nhiên, mức tăng trưởng vẫn thấp hơn so với tín dụng", VNBA nhấn mạnh.
Cụ thể, tiền gửi khách hàng của hệ thống tăng 0,91% trong 4 tháng đầu năm, trong khi tăng trưởng tín dụng là 2,01%.
Mặt khác, theo số liệu của Tổng cục thống kê, tính đến thời điểm 24-6-2024, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 1,5% so với cuối năm 2023. Trong khi tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 4,45%.
Để hút khách gửi tiền, các ngân hàng cũng liên tục tăng lãi suất huy động trong những tháng gần đây, với mức tăng trung bình dao động trong khoảng 0,1% - 0,5%. Động thái tăng lãi suất đầu vào của các ngân hàng thương mại trong bối cảnh NHNN cho biết tín dụng tính đến 24-6 tăng mạnh 4,45%, từ mức 2,4% cuối tháng 5. Điều này thúc đẩy các nhà băng tăng lãi suất tiết kiệm để thu hút tiền gửi nhằm đáp ứng nhu cầu vốn đang dần cải thiện qua các tháng.
Tiền gửi của dân cư cũng tăng hơn 39.700 tỉ đồng trong tháng 4 và đạt hơn 6,7 triệu tỉ đồng, là mức kỷ lục mới. Lũy kế từ đầu năm, tiền gửi dân cư tăng hơn 183.000 tỉ đồng (tương đương tăng 2,8%).