Tại chương trình Tư vấn đầu tư Bật mí phương pháp Đầu tư chứng khoán do CTCP Chứng khoán SSI (SSI) tổ chức trực tuyến diễn ra ngày 14/7, các chuyên gia SSI đã có những chia sẻ về diễn biến thị trường thời điểm này.

Ông Nguyễn Trọng Đình Tâm, Chuyên gia Chiến lược Đầu tư SSI cho rằng, thị trường đang trong quá trình tìm lại điểm cân bằng sau nhịp giảm mạnh trước đó.

Yếu tố khiến nhà đầu tư lo ngại là thanh khoản thị trường duy trì mức thấp so với các tháng trước. Nhưng, dưới góc nhìn của ông Tâm, diễn biến này cho thấy bên mua thận trọng khi thị trường vừa trải qua biến động mạnh, còn bên bán cũng không đẩy hàng bán mạnh ra nữa – là yếu tố thể xem là một điểm tích cực.

Theo tính toán của SSI, sau đợt sụt giảm vừa qua, P/E theo 12 tháng gần nhất khoảng 17,8 lần, thấp hơn đáng kể so với tháng trước trên 19 lần, thấp hơn hẳn so với với đỉnh gần 22 lần hồi đầu năm 2018. Còn nếu tính theo P/E forward 2021 là trên 15 lần thì theo ông Tâm đánh giá, thị trường chứng khoán có tính hấp dẫn nhất định.

Do ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn trong VN-Index, nếu tách nhóm này ra khỏi rổ tính toán thì SSI ước tính, P/E thị trường phần ở mức cao hơn nhiều, khoảng 18 lần. Theo bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư SSI, mức định giá hiện chưa cao so với các mốc trong quá khứ nhưng dư địa tăng trưởng từ mức P/E hiện tại thì không nhiều.

Trong nửa cuối năm, yếu tố hỗ trợ thị trường sẽ đến từ kỳ vọng khi chúng ta kiểm soát được dịch bệnh, đồng thời có thêm nhiều câu chuyện hỗ trợ cho cổ phiếu như tăng vốn không chỉ ở nhóm ngân hàng, mà còn ở nhóm bất động sản cũng có quy mô rất lớn về vốn hóa, cũng như các ngành như chứng khoán. Đặc biệt, các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ như duy trì mặt bằng lãi suất thấp, từ các FTA đã ký hết với các nước lớn có thể hỗ trợ thúc đẩy xuất khẩu.

Rủi ro thị trường cần nhận diện lúc này là dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng hơn, và phải thực hiện giãn cách ở các thành phố lớn, đặc biệt là ở Tp. Hồ Chí Minh. Bà Phương cho rằng đây là yếu tố cần lưu tâm dù vẫn rất tin tưởng vào khả năng kiểm soát và ứng phó với dịch bệnh của Chính phủ. Ngoài ra, kết quả kinh doanh quý 2 cũng đã phản ánh phần nào vào giá, nên cách nhìn của nhà đầu tư hiện nay là nhìn vào quý 3- quý 4 có bị ảnh hưởng ra sao bởi dịch hay không.

Điều quan trọng là làm sao phải giữ cho được các Khu công nghiệp hoạt động suôn sẻ, vì sắp tới mùa xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mỹ, EU và cũng là mùa tiêu dùng tăng cao. Chính vì vậy, cần đảm bảo cho hoạt động xuất khẩu, qua đó nâng đỡ nền kinh tế.

Cổ phiếu "bank, chứng, thép" ra sao trong nửa cuối năm?

Với các nhóm ngành cổ phiếu "hot" thời gian qua là "bank, chứng, thép", ông Nguyễn Chí Trung – Phó Giám đốc Khối Dịch vụ Chứng khoán Khách hàng cá nhân – CTCP Chứng khoán SSI cũng đưa ra một số góc nhìn.

Cụ thể nhóm chứng khoán, năm 2021, chứng khoán tiếp tục hưởng lợi từ thanh khoản tăng trưởng mạnh và mức giá giá trong nửa đầu năm giúp các mảng kinh doanh như môi giới, tự doanh tích cực. Tùy vào từng khẩu vị của nhà đầu tư, ngắn hạn thì có thể mua thấp bán cao rồi theo xu thế thị trường, nhưng khi thị trường hồi phục thì hoàn toàn có thể xem xét cổ phiếu nhóm chứng khoán.

Còn về ngành thép, là nhóm có chu kỳ, sau khoảng thời gian tăng trưởng tốt thì các năm sau đó thường giảm, nên P/E ngành thép hiện 10 lần, ít khi tiệm cận với P/E thị trường. NĐT nhìn nhận KQKD nửa đầu năm ngành này sẽ tốt khi giá thép tăng, giá cổ phiếu cũng đi theo kỳ vọng này. Đến hiện tại, mục tiêu lúc mua đã được đáp ứng, nên hành động chốt lời trong ngắn hạn là hoàn toàn bình thường trên TTCK.

Còn với ngân hàng, bà Phương cho rằng, giá cổ phiếu đã phán ánh dự báo về KQKD tăng trưởng trên 50-60%. Nếu nhìn nửa cuối năm 2021, bức tranh ngân hàng hơi khác đi một chút, không còn thấy các con số trong nửa đầu năm nữa thì giá cổ phiếu cũng dần được phản ánh.

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị