Giá cổ phiếu lao dốc "không hiểu vì sao"

Chốt phiên giao dịch ngày 17/1 trên Sàn Giao dịch chứng khoáng TP.HCM (HOSE), FRT tăng giá 350 đồng (tương ứng tỉ lệ tăng 1,94%), lên mức 18.400 đồng. Nhưng mức tăng này chẳng thấm tháp vào đâu so với những gì cổ phiếu FRT đã mất trong nhiều tháng qua.

Nếu lấy mốc cách phiên đóng cửa ngày 17/1/2020 ba tháng trước, tức vào ngày 17/10/2019, giá cổ phiếu FRT lúc đó vào thời điểm đóng cửa là 43.900 đồng. Như vậy trong ba tháng qua, cổ phiếu FRT đã mất giá khoảng 58%.

Lấy mốc từ ngày 17/7/2019, giá FRT khi ấy đứng ở mức 53.700, thì trong sáu tháng qua cổ phiếu FRT mất đi 66% giá.

Cần nhớ rằng, cổ phiếu FRT lên sàn vào ngày 26/4/2018 với mức giá tham chiếu là 125.000 đồng. Ngay trong phiên mở màn, cổ phiếu FRT đã tăng giá trần +20% nhưng vẫn còn nhiều lệnh đặt mua không thể khớp vì hết dư bán.

Ở thời điểm đó, giá cổ phiếu FRT đã bị làm giá cao hơn giá trị thực!

Nếu tính từ mức giá tham chiếu vào ngày bắt đầu niêm yết cách đây gần hai năm, giá cổ phiếu FRT đã mất đi hơn 85%.

Chuyện gì đang xảy ra với FRT, nhà bán lẻ điện thoại số 2 Việt Nam, nơi có CEO là "nữ tướng" Nguyễn Bạch Điệp được cho là tài năng và gần đây hay "lên sóng" ở các sự kiện, chương trình trên truyền hình chia sẻ về công việc và tầm nhìn?

Chuyện gì đang xảy ra với FRT sau khi FPT dần thoái vốn tại công ty con này xuống dưới mức 50%?

Khi FRT mất đi đến hơn 85% giá trị vốn hóa, lượng cổ phiếu mà các quĩ đầu tư nước ngoài và các tổ chức ôm vào trước đó đang đổi màu trở thành sự "ôm hận" của sự thua lỗ và mất mát.

Tựa như cú ôm hận của một số quĩ đầu tư ngoại trong các thương vụ với Yeah1! sau khi công ty truyền thông này bị YouTube cắt cầu hợp tác khiến giá cổ phiếu lao dốc một cách khủng khiếp.

Sự rơi thảm của giá cổ phiếu Yeah1! và FRT chỉ có chút giống nhau mà thôi, đó là sự giảm mạnh.

Tình trạng lao dốc giá cổ phiếu của Yeah1! thì ai cũng thấy rõ được nguyên nhân, còn với trường hợp FRT thì ngay chính nữ CEO của công ty này cũng thốt lên trong một cuộc họp cổ đông rằng không hiểu vì sao lại giảm đến như vậy.

Khủng hoảng chiến lược?

Trong một bài phân tích trên ssi.com.vn ngày 28/11/2019 có chỉ ra một số điểm khiến FRT mất đi 67% vốn hóa (tính đến thời điểm đó).

Thứ nhất, tính đến hết tháng 10/2019, tổng doanh thu của FRT đạt 13.755 tỉ đồng, tăng 11,8% so với cùng kì năm 2018; song về lợi nhuận trước thuế và sau thuế đều giảm so với cùng kì năm trước lần lượt là 8,3% và 10,6%.

Cụ thể, lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 302 tỉ so với 329 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 236 tỉ so với 264 tỉ đồng.

Lợi nhuận giảm được cho rằng một phần do FRT tiếp tục trích lập dự phòng nợ xấu cho chương trình bán hàng trả góp F-Friends và bán hàng trợ giá Subsidy. Đến thời điểm tháng 10/2019, FRT đã phải trích lập dự phòng 27 tỉ đồng.

Hãy đặt một giả thiết, trong trường hợp nếu FRT không trích lập dự phòng khoản 27 tỉ đồng trên, tổng lợi nhuận trong 10 tháng của doanh nghiệp này cũng chỉ ngang ngửa với năm 2018 chứ không có tăng trưởng, trong khi doanh thu lại tăng.

Nguyên nhân sâu xa của việc tăng trưởng doanh thu không cao và lợi nhuận giảm cũng có phần được cho là do thị trường điện thoại và ICT mà FRT đang kinh doanh đã có dấu hiệu bão hòa.

Thứ hai, hướng đi mua lại chuỗi dược Long Châu và phát triển mở rộng chưa mang lại nhiều doanh thu và lợi nhuận cho FRT.

Một phần bởi mạng lưới nhà thuốc Long Châu chưa nhiều, mới chỉ tập trung chủ yếu tại TP.HCM.

Theo kế hoạch phát triển của FRT, năm 2019 Long Châu sẽ tăng lên 70 cửa hàng và đóng góp 500 tỉ doanh thu, chiếm tỉ trọng 2,8% tổng doanh thu; năm 2020 "bùng nổ" hơn với 270 nhà thuốc, đạt doanh thu 1.900 tỉ đồng và chiếm tỉ trọng cũng chỉ 9,3% tổng doanh thu.

Điều đó cho thấy, "chiếc bánh" thị trường bán lẻ dược phẩm trông ngon ăn nhưng trên thực tế cũng không như kì vọng vì doanh thu trên mỗi nhà thuốc chưa thể sánh với doanh thu của siêu thị điện thoại. Trong khi đó, thương hiệu Long Châu mới được biết đến ở phạm vi hẹp, chưa chiếm lĩnh được thị phần đáng kể.

Chuỗi nhà thuốc Long Châu sẽ phải nhờ đến công thức "thuyền lên nước lên" và ngược lại.

Nghĩa là, cùng với sự phát triển tự thân mà FRT đã định hướng cho chuỗi Long Châu tạo ra thương hiệu được nhận diện nhiều hơn, thu hút người tiêu dùng rộng hơn, còn phải trông chờ vào mức chi tiêu cho thuốc của người dân tăng lên theo thời gian (2020: 85USD/người; 2025: 163USD/người).

Tuy nhiên, bài phân tích của SSI vẫn chưa đề cập tới được những vấn đề "ngoài số liệu" của FRT.

Đây chính là những yếu tố có tính tác động quan trọng đến chiến lược, tính sáng tạo, sự xoay chuyển linh hoạt trong kinh doanh của doanh nghiệp mà FRT đang rất cần có, trong khi Thế Giới Di Động đã có và đang triển khai bước đầu khả quan.

Thứ nhất, nhìn vào hoạt động của FRT, người ta thấy nhiều dấu ấn của CEO "nữ tướng" Nguyễn Bạch Điệp.

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để phát huy được sức mạnh và sự sáng tạo của cả bộ máy, đặc biệt là dàn lãnh đạo cao cấp và tầm trung có tính dẫn dắt mà ít thấy được vai trò của một ban lãnh đạo và những cán bộ tầm trung được phân cấp, phân quyền hợp lí để họ đóng góp sự sáng tạo cũng như chung vai gánh vác gánh nặng của một thị trường đang bão hòa?

Vai trò chủ chốt của cá nhân chỉ có thể giúp thúc đẩy phát triển đến một ngưỡng nào đó còn về lâu dài thì luôn cần một tập thể có năng lực đồng đều và tinh thần nhiệt huyết.

Thứ hai, trong một doanh nghiệp khi "nữ tướng" giỏi giang và để lại nhiều dấu ấn thì cũng hay song hành tính tập quyền quá nặng và kiểm soát quá chặt từ chuyện lớn đến chuyển nhỏ, sẽ tác động tiêu cực nhất định đến không khí làm việc cũng như tinh thần cống hiến của nhân viên.

Trong lúc thị trường điện thoại diễn biến bão hòa trong hai năm trở lại đây, Thế Giới Di Động dù có Điện Máy Xanh đang tăng trưởng tương đối tốt bù đắp vào và có Bách Hóa Xanh chuẩn bị cho một tương lai bùng nổ doanh thu song vẫn "chòi đạp" mở ra những ngành hàng mới từ đồng hồ cho tới mắt kiếng.

Nhìn vào đường hướng kinh doanh của chuỗi bán lẻ điện thoại lớn thứ hai trong bối cảnh hiện nay, chúng ta ít thấy được nét mới mang lại sự bù đắp nhanh doanh thu và lợi nhuận trong ngắn hạn, trong khi chuỗi Long Châu thì còn phải chờ…

Với thực tế hiện nay, FRT khó có thể đạt được mục tiêu đề ra: Giai đoạn 2016 - 2020 tăng trưởng 23,9%/năm cho doanh thu và 33,5%/năm cho lợi nhuận sau thuế.

Khi sự kì vọng của nhà đầu tư vào FRT giảm sút thì hệ quả chắc chắn sẽ thể hiện rõ ở giá cổ phiếu FRT trên thị trường.

Theo Vnreview