Theo số liệu từ Tổng cục hải quan, xuất khẩu của Việt Nam trong hơn nửa đầu năm 2024 khởi sắc hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu tháng 7/2024 đạt 36,2 tỷ USD, tăng 7,7% so với tháng trước và tăng 20,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Luỹ kế 7 tháng năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 440,5 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ; thặng dư thương mại 4,5 tỷ USD, giảm 2 tỷ USD so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, trong giai đoạn còn lại của năm 2024, xuất khẩu có thể đối diện với nhiều rủi ro khi các thị trường trọng điểm như Mỹ và Trung Quốc có thể suy giảm nhu cầu tiêu dùng. Tỷ lệ hàng tồn kho/doanh số bán hàng tại Mỹ đang ở mức cao. Điều này dự báo nhu cầu nhập khẩu sẽ giảm xuống.
Thu nhập giảm cục bộ, số lượng việc làm tạo ra ít hơn dự báo là nguyên nhân khiến người tiêu dùng thắt lưng buộc bụng. Trên thực tế, người Mỹ bắt đầu “bình dân hóa” chi tiêu - tránh xa mặt hàng đắt đỏ.
Nền kinh tế Trung Quốc - thị trường xuất khẩu lớn nhất và quan trọng nhất của Việt Nam - đang diễn biến khó lường. Các khoản vay ngân hàng mới ở Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong 15 năm vào tháng 7, điều mà một số nhà phân tích coi là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế tiếp tục suy yếu.
Iris Tan, nhà phân tích vốn cổ phần cấp cao tại Morningstar giải thích rằng, sự sụt giảm trong tăng trưởng cho vay ở Trung Quốc trong tháng 7 là do nhu cầu tín dụng và chi tiêu của cả doanh nghiệp và hộ gia đình đều suy yếu.
Bà Tan lưu ý rằng, các khoản vay ngắn hạn của hộ gia đình giảm đáng kể, cho thấy niềm tin và chi tiêu của người tiêu dùng tiếp tục yếu đi. Các khoản vay doanh nghiệp tiếp tục mở rộng nhưng với tốc độ chậm hơn.
Thực tế, nhiều khoản vay được kích thích bởi chi phí lãi suất thấp, sau đó tái ký gửi vào ngân hàng dưới dạng “tiền gửi” hoặc “thỏa thuận tiền gửi có lãi suất cao”, thay vì hoạt động đầu tư hoặc mở rộng sản xuất kinh doanh.
Jasmine Duan, chiến lược gia đầu tư cấp cao tại RBC Wealth Management Asia rút ra kết luận: Dữ liệu cho thấy cả hộ gia đình và doanh nghiệp vẫn có cái nhìn “tương đối bi quan” về nền kinh tế Trung Quốc.
Doanh số nửa đầu năm của gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba cho thấy, doanh thu từ hoa hồng thương mại và quảng cáo trên các nền tảng tại Trung Quốc đã giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tencent, công ty vận hành ứng dụng nhắn tin và mạng xã hội WeChat, cũng báo cáo mức tăng trưởng doanh thu hàng năm từ giao dịch tài chính của người dùng chậm hơn ở mức 4% so với 7% trong quý trước và 15% trong cùng kỳ năm trước.
Doanh số bán lẻ tại Trung Quốc đã tăng 2,7% so với cùng kỳ trong tháng 7 sau khi chỉ tăng 2% trong tháng 6. Con số này vẫn thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng doanh số bán lẻ từng thấy trong quá khứ.
Sự sụt giảm của thị trường bất động sản, vốn chiếm phần lớn tài sản hộ gia đình ở Trung Quốc, và sự không chắc chắn về thu nhập trong tương lai đã đè nặng lên tâm lý người tiêu dùng nước này.
Trương Khắc Trà