Theo đơn kiến nghị của Công ty TNHH GCOOP Việt Nam (GCOOP) gửi tới Hiệp hội Bán hàng Đa cấp Việt Nam và một số cơ quan báo chí, trong thời gian qua nhiều thành viên mặc dù đã ký hợp đồng tham gia BHĐC với công ty TNHH GCOOP Việt Nam nhưng lại lôi kéo các thành viên trong hệ thống của GCOOP tham gia vào mô hình Game Boat Wing theo hình thức đa cấp. Game này hiện thu hút được rất nhiều người Việt Nam tham gia đầu tư bằng hình thức nạp tiền để chơi game rồi đổi điểm, đổi tiền điện tử. Việc tham gia lôi kéo các thành viên công ty sang đầu tư tài chính, tiền ảo đã ảnh hưởng lớn tới uy tín, danh dự của GCOOP, gây thiệt hại lớn về con người cũng như tài chính của công ty.

Đại diện Công ty TNHH GCOOP Việt Nam cho biết, công ty đã chấm dứt hợp đồng tham gia BHĐC với những đối tượng thực hiện hành vi lôi kéo nhưng các đối tượng này vẫn tiếp tục thông tin và lôi kéo các thành viên khác của công ty. Trước sự việc này, GCOOP đang chuẩn bị tài liệu, chứng cứ để cung cấp cho cơ quan chức năng xử lý.

Tổng Giám đốc GCOOP Việt Nam, ông Kim Seongu đưa ra lời khuyên với các thành viên trong công ty cần phải cảnh giác, chú ý để không bị lôi kéo, tham gia vào đầu tư tiền ảo bất hợp pháp; công ty đang cố gắng, nỗ lực để xây dựng hệ thống lưu thông hàng hóa lành mạnh.

Ông Võ Đan Mạch, Chánh văn phòng Hiệp hội bán hàng đa cấp Việt Nam cho biết, hiện tại hiệp hội đã tiếp nhận đơn trình bày sự việc của Công ty TNHH GCOOP Việt Nam. Hiệp hội đang đề nghị và phối hợp cùng GCOOP Việt Nam củng cố hồ sơ gửi đến Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng và các cơ quan chức năng có liên quan để có phương án xử lý theo đúng quy định pháp luật.

Công ty TNHH GCOOP Việt Nam đã được Cục Cạnh tranh cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Đồng thời GCOOP Việt Nam cũng là thành viên của Hiệp hội bán hàng đa cấp Việt Nam. Vì thế GCOOP Việt Nam được pháp luật bảo vệ trước những hành vi lợi dụng danh nghĩa Công ty để lôi kéo người tham gia BHĐC tham gia kinh doanh tiền ảo, ông Mạch cho biết thêm.

Theo các chuyên gia, việc tham gia đầu tư tiền ảo theo mô hình đa cấp là hành vi trái pháp luật. Khoản 1 Điều 4 Nghị định 40/2018/NĐ-CP đã quy định rõ, hoạt động kinh doanh đa cấp chỉ được thực hiện đối với hàng hóa. Tiền ảo không phải là hàng hóa, không được phép kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Kinh doanh đa cấp là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và phải được cấp phép để hoạt động. Điều 217a BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về “Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp” đã quy định rõ, người nào tổ chức hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp mà không có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐC hoặc không đúng với nội dung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐC bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.

Theo ông Võ Đan Mạch, vì là hình thức kinh doanh không được pháp luật công nhận nên hiện Việt Nam chưa công nhận bất cứ loại hình tiền điện tử và tiền mã hóa nào. Người tham gia sẽ gặp rất nhiều rủi ro khi tham gia đầu tư vào gói huy động của những tổ chức, cá nhân này vì rất khó xác thực được tên công ty, trụ sở công ty ở đâu, hình thức giao dịch không đảm bảo vì không có hóa đơn, chứng từ theo đúng quy định.

Sau một thời gian tham gia, nhà đầu tư chỉ được trả lãi bằng tiền ảo có trong ứng dụng được cài đặt trong điện thoại. Nếu muốn rút tiền chỉ có cách bán tiền ảo này cho nhà đầu tư khác trong hệ thống, không bán được ra ngoài hệ thống. Trong trường hợp không có người mua hoặc ứng dụng bị sập, thì lúc đó người tham gia sẽ mất tiền. Tất nhiên, người tham gia có thể tố cáo đến cơ quan có thẩm quyền nhưng rõ ràng việc điều tra với số lượng thông tin, chứng cứ ít ỏi sẽ cực kỳ mất thời gian và có thể không thu lại bất cứ một lợi ích nào.

Trước thực trạng mua bán chứng khoán quốc tế, tiền ảo đang nở rộ tại Việt Nam trong thời gian gần đây, Bộ Tài chính khẳng định đây không phải là một loại chứng khoán. Việt Nam cũng chưa có quy định pháp lý về việc phát hành, mua bán, trao đổi tiền ảo, tài sản ảo. Đồng thời, Việt Nam cũng chưa có quy định đơn vị chính thức quản lý việc phát hành và giao dịch các đồng tiền ảo, tài sản ảo.

Hiện Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp đang làm rõ cơ sở pháp lý để quản lý việc kinh doanh tiền ảo, tài sản ảo. Bộ Tài chính đã lập một tổ nghiên cứu về tài sản ảo, tiền ảo.

Ngoài việc mua bán, kinh doanh tiền ảo không được pháp luật bảo vệ, tiền ảo cũng không phải là đồng tiền pháp định (hình thức tiền tệ do chính phủ ban hành và được Việt Nam xem là hợp pháp). Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Đào Minh Tú cho biết : "Tiền ảo không phải phương tiện thanh toán và pháp luật Việt Nam không cho phép thực hiện chức năng của đồng tiền pháp lệnh tại Việt Nam".

Nguồn: Ban Đối ngoại & Truyền thông Hiệp hội BHĐC Việt Nam

Song Sơn