Tại văn bản, các Hội/Hiệp hội doanh nghiệp cho biết, Nghị định 09/2016/NĐ-CP, với mục tiêu tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm, là một chủ trương lớn và quan trọng của Chính phủ nhằm cải thiện sức khỏe cộng đồng. Các hội/Hiệp hội thực phẩm hoàn toàn ủng hộ các biện pháp phù hợp để bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân, đặc biệt là quy định bổ sung I-ốt vào muối và gia vị dạng rắn dùng trong hộ gia đình và các cơ sở dịch vụ ăn uống.
Tuy nhiên, khi áp dụng quy định bắt buộc bổ sung vi chất dinh dưỡng vào muối và bột mỳ sử dụng trong chế biến thực phẩm có một số quan ngại như: Nguy cơ mất thị trường xuất khẩu và rủi ro không đáp ứng yêu cầu từ khách hàng quốc tế; Thiếu nguồn cung muối tinh khiết không chứa i-ốt cho chế biến thực phẩm;
Cạnh tranh bất bình đẳng với các sản phẩm thực phẩm nhập khẩu không chịu sự kiểm soát về quy định bổ sung vi chất; Quy định cho phép loại trừ tại khoản 2 điều 2 Nghị định 09/2016/NĐ-CP không thực tế đối với “cơ sở xuất khẩu thực phẩm”; Nguy cơ sức khỏe cho người dân đã đủ hoặc thừa I-ốt.
Đặc biệt, tại văn bản, các Hội/Hiệp hội doanh nghiệp cũng chỉ ra các nguyên nhân dẫn những nguy cơ, ảnh hưởng đã nêu như việc nhiều nước không có yêu cầu sử dụng muối có bổ sung I-ốt đối với hàng nhập khẩu (ví dụ: Nhật Bản, Australia….). Khách hàng quốc tế phản ứng và yêu cầu có Giấy xác nhận cam kết sản phẩm không dùng muối chứa I-ốt, thậm chí từ chối đơn hàng nếu sản phẩm không đáp ứng điều kiện này, từ đó tạo áp lực lớn lên các doanh nghiệp xuất khẩu, ảnh hưởng trực tiếp đến sức cạnh tranh của hàng Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Không chỉ có vậy, các doanh nghiệp trong nước sẽ khó khăn hoặc không thể tìm được nguồn cung muối tinh khiết không có bổ sung I-ốt để phuc vụ cho chế biến, đáp ứng yêu cầu chất lượng sản phẩm. Bởi, các cơ sở sản xuất muối thủ công (không phải tuân thủ Nghị định 09/2016/NĐ-CP) thì không đủ khả năng cung cấp nguồn muối đảm bảo số lượng và chất lượng, độ tinh khiết cho nhu cầu chế biến công nghiệp, dẫn đến tình trạng khan hiếm nguồn nguyên liệu sản xuất và gia tăng chi phí không cần thiết.
Riêng với sản xuất Nước mắm truyền thống, từ hàng trăm năm nay chỉ sử dụng muối hột để muối cá. Muối này chỉ lấy từ những vùng sản xuất muối trên ao đất, không dùng muối sản xuất trên ao phủ bạt. Cộng đồng người làm nước mắm truyền thống rất quan ngại rằng nếu bắt buộc sử dụng muối tinh bổ sung I-ốt thì sẽ không còn nước mắm truyền thống…
Từ thực tế này, các Hội/Hiệp hội doanh nghiệp đề nghị Chính phủ và Bộ Y tế xem xét điều chỉnh, bổ sung trong Dự thảo Nghị định sửa đổi.
Cụ thể, loại trừ sản phẩm thực phẩm xuất khẩu khỏi phạm vi điều chỉnh của Nghị định sửa đổi (đề nghị sửa đổi khoản 2 Điều 2 của Nghị định 09/2016/NĐ-CP thành loại trừ “sản phẩm thực phẩm xuất khẩu” thay vì loại trừ “cơ sở thực phẩm xuất khẩu”).
Khuyến khích sử dụng muối có bổ sung I-ốt trong chế biến thực phẩm dùng cho tiêu dùng nội địa; khuyến khích tăng cường sắt và kẽm vào bột mì dùng trong chế biến thực phẩm (đúng theo Nghị quyết 19/2018/NQ-CP).
Bởi, giải pháp này không chỉ giúp doanh nghiệp linh hoạt trong sản xuất mà còn tôn trọng quyền lựa chọn của ngƣời tiêu dùng, cho phép họ chọn sản phẩm phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng và sức khỏe cá nhân. Điều này đặc biệt quan trọng với những người không cần hoặc không nên tiêu thụ thêm vi chất, tránh nguy cơ sức khỏe như cường giáp, ung thư tuyến giáp (nhiều nghiên cứu sơ bộ của một số nước đã cho thấy mối liên quan lớn của việc sử dụng quá nhiều muối I-ốt sẽ gia tăng tỷ lệ mắc các bệnh lý này). Việc khuyến khích thay vì bắt buộc cũng giúp doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường, góp phần phát triển ngành thực phẩm bền vững và an toàn hơn.
Bên cạnh đó, bắt buộc bổ sung I-ốt cho muối dùng trong hộ gia đình, dịch vụ ăn uống trực tiếp (đúng theo Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030) và các gia vị mặn dạng rắn.
Cho phép các cơ sở sản xuất - nhập khẩu muối được cung cấp muối không bổ sung I-ốt để sử dụng theo nhu cầu của những người thừa I-ốt, của doanh nghiệp sản xuất hàng thực phẩm xuất khẩu. Yêu cầu ghi nhãn rõ ràng về muối I-ốt và lợi ích phòng chống bước cổ để phân biệt với muối tinh khiết.
Đồng thời, cho phép sản xuất, nhập khẩu muối không bổ sung I-ốt để đáp ứng nhu cầu riêng. Trong đó, nên cho phép các cơ sở sản xuất, nhập khẩu muối tinh khiết không chứa I-ốt để đáp ứng theo nhu cầu của những người thừa I-ốt, của doanh nghiệp sản xuất hàng thực phẩm xuất khẩu... yêu cầu ghi nhãn rõ ràng về thành phần muối có I-ốt và lợi ích của phòng chống bướu cổ để phân biệt với muối tinh khiết không chứa I-ốt hoặc xem xét có thể sử dụng công cụ thuế phù hợp với muối bổ sung I-ốt để khuyến khích người tiêu dùng lựa chọn sử dụng muối I-ốt.
“Trong suốt 7 năm qua, cả trên các văn bản hay các hội nghị liên quan, các Hội/Hiệp hội ngành hàng thực phẩm luôn thể hiện rõ quan điểm và tinh thần ủng hộ tuyệt đối quyết sách bổ sung vi chất dinh dưỡng để cải thiện sức khỏe người dân, trong đó có biện pháp bổ sung bắt buộc I-ốt cho muối, gia vị dạng rắn dùng trong các hộ gia đình và cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, chỉ có một điểm duy nhất quan ngại và kiến nghị là quy định dùng muối bổ sung I-ốt, bột mỳ bổ sung sắt, kẽm dùng trong chế biến thực phẩm…
Với tinh thần cầu thị, xây dựng và đồng hành cùng Chính phủ và Bộ Y tế trong đảm bảo sức khỏe cộng đồng và sự phát triển ổn định, bền vững của các ngành kinh tế thực phẩm, bằng văn bản này các Hội/Hiệp hội ngành hàng thực phẩm xin được bày tỏ sự quan ngại và kính đề nghị đồng chí Thứ trưởng và Bộ Y tế quan tâm, xem xét vấn đề này theo đúng tinh thần của Nghị quyết 19/2018/NQ-CP để chính sách vừa đạt hiệu quả sức khỏe cao nhất, vừa giảm thiểu những tác động bất lợi cho doanh nghiệp và người tiêu dùng”, nội dung văn bản của các Hội/Hiệp hội doanh nghiệp bày tỏ.
Gia Nguyễn