Tháng 9/2029, các khách hàng Châu Á cùng nhiều khách hàng khác đã đồng loạt cấm nhập khẩu thịt lợn Đức sau khi Đức phát hiện có ca ASF đầu tiên ở xác động vật hoang dã. Việc cấm đó đã khiến giá thịt lợn ở Trung Quốc và nhiều nước khác tăng mạnh, đồng thời làm cho giá thịt lợn của Đức giảm trong khi đẩy chi phí ngành thịt lợn của nước này tăng cao.

Châu Á chiếm khoảng 70% tổng xuất khẩu thịt lợn của Đức, trị giá trên 2 tỷ EUR trong năm 2019.

Trong thông báo mới nhất, Bộ Nông nghiệp Đức cho biết nước này đã thành công trong việc thúc đẩy những thỏa thuận khu vực về xuất nhập khẩu thịt lợn, trong đó đề cập đến những thỏa thuận theo đó chỉ ngừng nhập khẩu từ khu vực có phát hiện thấy trường hợp ASF, thay vì cấm nhập từ toàn bộ nước Đức.

Theo Bộ trên, virus ASF chỉ tìm thấy ở lợn rừng thuộc các vùng phía đông nước này, tiếp giáp với Ba Lan.

Cũng theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp Đức: "Đức đã đạt được một thỏa thuận như vậy với Việt Nam" và "Đức có thể xuất khẩu thịt lợn tươi sang Việt Nam trở lại ngay từ bây giờ".

Tương tự, sau các cuộc đàm phán chuyên sâu, Singapore cũng đã đồng ý về việc chỉ cấm nhập khẩu thịt lợn theo từng khu vực.

"Ngoài ra, chúng tôi đã cố gắng đàm phán với Brazil, Argentina, Nam Phi và Hàn Quốc để đạt được việc bãi miễn các lệnh cấm xuất khẩu đối với các sản phẩm thịt lợn đã qua xử lý/chế biến hoặc các sản phẩm khác làm từ thịt lợn."

Canada và Bosnia – Herzegovina cũng đã đồng ý nhập khẩu thịt lợn từ các khu vực không có ASF của Đức.

Trong khi đó, Thái Lan đã không mở rộng lệnh cấm nhập khẩu, theo đó các công ty đã đăng ký kinh doanh trước đó vẫn có thể tiếp tục xuất khẩu. Bộ Nông nghiệp Đức đã bắt đầu nộp đơn chính thức đề xuất Thái Lan mở cửa hoàn toàn cho thịt lợn Đức.

Tuy nhiên, cho đến nay, Trung Quốc, khách hàng lớn nhất của Đức trong mặt hàng thịt lợn, vẫn chưa nới lỏng lệnh cấm nhập.

"Bộ nông nghiệp đang tận dụng tất cả các cơ hội có thể để tiếp xúc với Trung Quốc, bao gồm cả Văn phòng thủ tướng liên bang, nhằm đàm phán về việc chỉ cấm nhập khẩu thịt lợn theo từng khu vực", thông tin từ Bộ Nông nghiệp cho biết.

Trong khi nhiều nước Châu Á cấm nhập khẩu thịt lợn Đức thì Đức vẫn được phép xuất khẩu mặt hàng này sang EU. Các nước EU khác đã tăng cường xuất khẩu thịt lợn sang Trung Quốc, và doanh thu từ xuất khẩu mặt hàng này của Đức sang châu Âu tăng.

Được biết, xuất khẩu thịt lợn của Tây Ban Nha và Đang Mạch sang Châu Á đang rất thuận lợi, sau khi thịt lợn Đức bị cấm ở nhữn g thị trường này.

Việc tăng được xuất khẩu sang châu Âu thay thế thị trường Trung Quốc đã giúp giá thịt lợn Đức gần đây tăng lên.

Theo đó, giá lợn sau khi mổ của Đức đầu tháng 3/2021 ở mức 1,4 EUR/kg, tăng so với mức 1,3 EUR hồi cuối tháng 2.

Giá thịt lợn Đức đã hồi phục kể từ giữa tháng 2 (khi đó ở mức 1,21 EUR) do nhiều thị trường khôi phục việc nhập khẩu thịt lợn Đức.

Hiệp hội chăn nuôi lợn nước này cho biết, giá mỗi con lợn cũng tăng từ 32,5 EUR đầu tháng 2 lên 35 EUR cuối tháng 2 và lên tiếp 40 EUR hiện nay.

Tuy nhiên, việc xuất khẩu chậm trong thời gian qua đã khiến trọng lượng mỗi con lợn tăng lên, vượt quá tiêu chuẩn của Đức về trọng lượng giết mổ.

Tham khảo: Reuters

Thu Ngân

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

 

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị