Thái tử Ả Rập Xê Út Mohammed bin Salman trong một cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: AP).
Thái tử Ả Rập Xê Út Mohammed bin Salman trong một cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: AP).

Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine vào ngày 24/2, chính phủ các nước phương Tây ủng hộ Kiev có xu hướng nói về cuộc xung đột bằng các thuật ngữ mạnh mẽ.

Việc Mỹ và các nước thân cận khác ở phương Tây liên tục hỗ trợ Kiev bằng nhiều cách cũng đang  "đổ thêm dầu vào" cuộc xung đột này và khiến Nga nổi giận.

Tuy nhiên, ở các nước Ả Rập lại là một câu chuyện khác.

Theo Al Jazeera, Ả Rập Xê Út và các thành viên khác của Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) về cơ bản coi vấn đề ở Ukraine là một cuộc xung đột phức tạp của châu Âu và không liên quan gì đến họ, vì vậy các quốc gia Ả Rập không vì bất kỳ lý do gì mà phải chống lại Nga.

Mặc dù không có chính phủ Ả Rập nào hoàn toàn ủng hộ việc Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, hầu hết đều khẳng định chính sách không can thiệp và không "hy sinh" mối quan hệ với Moscow vì cuộc xung đột này.

Do đó, trong khi các quốc gia GCC phần lớn ủng hộ các nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc lên án chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, không có quốc gia nào ủng hộ các cường quốc phương Tây trong việc thực hiện các biện pháp trừng phạt Moscow hoặc các chính sách khác nhằm siết chặt nước Nga.

"Hầu hết các nước ở châu Á và châu Phi, bao gồm cả Trung Đông, đã không coi cuộc xung đột Ukraine là vấn đề trong quan hệ quốc tế như phương Tây", Hussein Ibish, học giả tại Viện Mỹ ở Washington hiện thường trú tại vùng Vịnh Ả Rập, nhận định.

Và cả trong nhóm OPEC+ cũng vậy.

Ả Rập Xê Út là nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, đóng vai trò quan trọng đối với cả Mỹ và Nga vào thời điểm cuộc chiến của Nga ở Ukraine đang làm chao đảo các thị trường năng lượng toàn cầu. Các nhà lãnh đạo thế giới đã tới Riyadh để yêu cầu sản xuất thêm dầu.

Tuy nhiên, Ả Rập Xê Út đã tỏ ra không mấy sẵn sàng tham gia nỗ lực cô lập Nga. Ngược lại đã tăng cường hợp tác với Moscow, bao gồm cả trong nhóm các nhà sản xuất dầu OPEC +.

Chuyến thăm hồi tháng 7 của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã không đảm bảo các cam kết từ Ả Rập Xê Út về việc tăng sản lượng dầu ngay lập tức có hoặc lập trường cứng rắn hơn đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin, làm nổi bật những căng thẳng đang đè nặng lên mối quan hệ giữa Washington và Riyadh.

Xích lại gần hơn với Nga

Riyadh đã duy trì mối quan hệ hợp tác tốt đẹp với Nga kể từ khi Tổng thống Putin mở chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Trên thực tế, tập đoàn Kingdom Holding của Ả Rập Xê Út đã mạnh tay đầu tư đầu tư ít nhất 500 triệu USD vào các công ty Nga như Gazprom, Rosneft và Lukoil trong những ngày đầu chiến sự bùng phát ở Ukraine.

Gần đây hơn, vào ngày 5/10, nhóm OPEC+ do Ả Rập Xê Út và Nga dẫn đầu đã công bố kế hoạch giảm sản lượng khai thác dầu. Thông báo này đã khiến  Washington tức giận vì cho rằng sẽ giúp Nga chịu được các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu, đồng thời làm suy yếu các nỗ lực của phương Tây nhằm cô lập chính phủ của Tổng thống Putin.

"Không nghi ngờ gì khi Riyadh nhận thấy cần phải duy trì mối quan hệ thân tình với Moscow, cả để điều phối sản xuất dầu cũng như duy trì đối thoại vững chắc với Nga về các sáng kiến của Iran", Joseph A Kechichian, một thành viên cấp cao tại Trung tâm King Faisal ở Riyadh nói, đề cập đến mối quan hệ của Moscow với đối thủ trong khu vực của Ả Rập Xê Út là Iran.

Đầu tháng này, nhóm OPEC+ do Ả Rập Xê Út và Nga dẫn đầu đã công bố kế hoạch giảm sản lượng dầu (Ảnh: Bloomberg).

Các nhà phân tích cho rằng, việc Ả Rập Xê Út tiếp tục tăng cường mối quan hệ với Nga sẽ làm gia tăng căng thẳng với Mỹ.

"Cuộc xung đột Ukraine đã khiến chính sách của Riyadh trở thành tâm điểm chú ý và gây áp lực buộc họ phải chọn bên. Các quyết định của họ sẽ được Mỹ nhìn nhận theo quan điểm: đồng hành với Washington hay không?", chuyên gia Feierstein cho biết thêm.

David Roberts, phó giáo sư tại trường King's College London (Anh), cũng cho rằng quyết định của OPEC+ đã đẩy mối quan hệ Ả rập Xê Út và Mỹ xuống mức tồi tệ.

Nhìn chung, mối quan hệ hiện tại giữa hai nước dường như đang có xu hướng tan rã hơn, do Washington đã không thuyết phục được Ả rập Xê Út và các quốc gia Ả Rập khác cắt đứt quan hệ với Nga. Rạn nứt mới nhất giữa Riyadh và Washington có thể sẽ bùng phát trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ và cuộc đua tới Nhà Trắng năm 2024 sắp tới, khi các đảng viên Cộng hòa sẽ khai thác triệt để những khó khăn kinh tế của chính quyền ông Biden và bất ổn thế giới.

Thông điệp với phương Tây

Khi cuộc xung đột Ukraine bước sang tháng thứ 9, một số nhà phân tích tin chắc rằng, Ả Rập Xê Út sẽ vẫn không đứng về phía phương Tây để gây sức ép với Moscow, bất chấp áp lực của Mỹ và các nước trong Liên minh châu Âu (EU).

Đối với giới lãnh đạo ở Riyadh, việc duy trì quan điểm trung lập sẽ có lợi cho họ hơn nhiều. Theo các chuyên gia, vương quốc này đang sử dụng cuộc xung đột này - và phản ứng của họ - để gửi thông điệp tới Mỹ rằng, Ả Rập Xê Út không phải là nước chư hầu của Washington.

Nga - Ukraine tiến hành cuộc trao đổi tù binh lớn nhất hồi tháng 10 dưới sự trung gian của Ả Rập Xê Út (Ảnh: Guardian).

"Trong những năm gần đây, Ả Rập Xê Út đã nhấn mạnh việc họ đang tìm cách tránh vướng vào cái mà ở Mỹ gọi là" cạnh tranh quyền lực lớn", cựu đại sứ Mỹ tại Yemen Gerald Feierstein và hiện là phó Chủ tịch cấp cao của Viện Trung Đông, nói với Al Jazeera.

Khi sự phân chia Đông - Tây gia tăng cùng với sự cạnh tranh quyền lực lớn đang leo thang, việc duy trì sự gần gũi với cả Mỹ và Nga sẽ là thách thức đối với Ả rập Xê Út. Tuy nhiên, Riyadh đã phát đi tín hiệu rõ ràng sẽ tiếp tục theo đuổi mục tiêu khó khăn đòi hỏi phải điều hướng cẩn trọng giữa lúc bối cảnh địa chính trị thế giới đang thay đổi.

Mặc dù hợp tác với Nga trong lĩnh vực năng lượng, đầu tư và các lĩnh vực khác vẫn tiếp tục kể từ ngày 24/2, Ả Rập Xê Út cũng đã thể hiện mức độ ủng hộ đối với Ukraine khi Riyadh cố gắng định vị mình như một nhà trung gian hòa giải hữu ích.

Vào tháng 9, Ả Rập Xê Út và Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò trung gian tạo điều kiện cho việc trao đổi tù nhân giữa Kiev và Moscow, dẫn đến việc một số công dân phương Tây (bao gồm cả 2 công dân Mỹ) được trả tự do sau khi bị bắt trên chiến trường khi tham gia chiến đấu cho Ukraine.

Động thái này đã giúp Ả Rập Xê Út giành được thắng lợi ngoại giao khi đảm bảo tự do cho các chiến binh nước ngoài bị bắt ở Ukraine, báo hiệu giá trị của mối quan hệ đồng minh giữa Riyadh với Nga và các đối tác phương Tây đang tìm cách cô lập Moscow vì cuộc chiến ở Ukraine.

Đầu tháng này, Thái tử Mohammed bin Salman đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Thái tử đã cam kết cung cấp cho quốc gia bị chiến tranh tàn phá 400 triệu USD viện trợ vũ khí không gây chết người, động thái mà nhiều nhà phân tích coi là nỗ lực của nhằm tạo ra nhận thức mạnh mẽ hơn với phương Tây rằng, Riyadh là bên trung lập trong cuộc xung đột.

Các chuyên gia cũng đánh giá rằng, Thái tử Mohammed bin Salman cũng có thể nhận thấy, vị thế trung gian đã giúp đưa ông tiến gần hơn đến việc phục hồi vị thế quốc tế của mình.

Christian Ulrichsen, một nhà khoa học chính trị tại Viện Baker của Đại học Rice, Mỹ cho biết mối quan hệ làm việc giữa Ả Rập Xê Út và Nga dường như là một yếu tố quan trọng trong việc lựa chọn trung gian. "Bằng cách dàn xếp các cuộc hòa giải và mang lại kết quả, Thái tử Mohammed bin Salman có thể thể hiện mình có khả năng đóng vai trò chính khách trong khu vực, trái ngược với những chỉ trích nhằm vào cá nhân ông trước đó".

Thanh Thành (Nguồn Aljazeera)
Theo Dân trí