Nhưng ngược lại, giá gạo xuất khẩu tháng 1/2021 đạt trung bình 551,7 USD/tấn, tăng 3,4% so với tháng 12/2020 và tăng 15,4% so với tháng 1/2020.

Philippines 0 thị trường đứng số 1 của xuất khẩu gạo Việt Nam trong tháng đầu năm 2021 sụt giảm mạnh 38% cả về khối lượng và kim ngạch so với tháng 12/2020, đạt 169.871 tấn, tương đương 91,38 triệu USD, chiếm 48% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước. Song, giá xuất khẩu gạo sang Philippines tăng nhẹ 2%, đạt trung bình 537,9 USD/tấn.

Xếp sau thị trường Philippines là Trung Quốc đạt 57.849 tấn, trị giá 30,13 triệu USD, giảm 1,2% về lượng và giảm 3,9% về kim ngạch, chiếm 16% trong tổng lượng và tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước. Giá xuất khẩu đạt 520,9 USD/tấn, giảm 2,8%.

Tuy nhiên, xuất khẩu vào thị trường Gana lại tăng rất mạnh 144,8% về lượng và tăng 150% về kim ngạch so với tháng liền kề trước đó, đạt 39.341 tấn, tương đương 23,2 triệu USD, chiếm trên 12% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước, song giá xuất khẩu chỉ tăng nhẹ 2,1%, đạt 589,6 USD/tấn.

Đáng chú ý, trong tháng 1/2021 xuất khẩu gạo sang thị trường Bờ Biển Ngà tăng mạnh nhất 274% về lượng và tăng 252,7% về kim ngạch so với tháng 12/2020, đạt 11.387 tấn, tương đương 6,63 triệu USD, chiếm trên trên 3% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước, tuy nhiên giá xuất khẩu giảm 5,7%, đạt 582,6 USD/tấn.

Tại thị trường trong nước, giá lúa tươi tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn duy trì ở mức cao trong tháng 2 này.

Nông dân Nguyễn Văn Thức, ở Thị trấn Sa Rày, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp cho biết, trước Tết đã lấy tiền cọc bán 10 ha lúa Đông Xuân với các giống như: IR 50404, ĐT 8 giá 6.800 đồng/kg và Nếp Long An giá 6.400 đồng/kg, thương lái hẹn mùng 9 cắt.

“Mùng 1, 2, 3 nghỉ Tết Nguyên đán nên không thấy lái lúa đi mua lúa nhưng từ mùng 4 đến nay đã có lái đi mua lại và giá cũng như lúc trước Tết”, ông Thức nói.

Tại An Giang, giá lúa IR50404 cũng đang dao động ở mức 6.800 đồng/kg; lúa OM 2514 giá 6.700 đồng/kg. Nông dân Bạc Liêu bắt đầu thu hoạch lúa Đông Xuân, với lúa OM 5451 có giá 6.800 - 7.000 đồng/kg, Đài Thơm 8 ở mức 6.700 - 6.900 đồng/kg, lúa ST24 có giá 7.000 - 7.500 đồng/kg.

Doanh nghiệp không vội gì bán

Theo ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV, có một số nhà máy xay xát và có một số thương lái đi mua khai trương đầu năm hôm mùng 4 Tết, còn đa phần kể cả doanh nghiệp gạo sẽ khai trường mùng 6 và mùng 9.

Do vậy, giá lúa ở ngoài đồng cũng bình thường như trong Tết vì chưa mua bán nên chưa hình thành mặt bằng giá.

“Ở thị trường gạo xuất khẩu, các loại gạo 15% tấm và 25% tấm đóng bao trắng thường các thương nhân Philippines không mua vì cho rằng giá gạo Việt Nam cao, nhưng các loại gạo thương hiệu và phân khúc cao như ĐT 8, Jasmine,… họ vẫn mua bình thường.

Gạo OM 5451 đang dao động từ 530 - 535 USD/tấn, gạo ĐT8 dao động từ 550 - 550 USD/tấn, Jasmine khoảng 570 USD/tấn.

Thị trường gạo xuất khẩu đang có nhiều khách hàng nhưng hiện nay nguồn hạn chế nên các doanh nghiệp không vội gì bán, vì cao điểm thu hoạch vụ Đông Xuân - vụ lúa lớn nhất trong năm là vào cuối tháng 2 hoặc đầu tháng 3, khi đó nguồn cung lúa sẽ dồi dào, giá lúa có thể sẽ giảm nhẹ so với bây giờ”, ông Thành cho biết.

Hôm 28/1/2021, Bộ Nông nghiệp (DA) Philippines yêu cầu Ủy ban Thuế quan (TC) giảm thuế nhập khẩu gạo từ các nước ngoài khối ASEAN xuống chỉ còn 35% so với 50% hiện tại. Nếu đề xuất này được thông qua gạo Việt Nam có thể bị mất thị trường Philippines vào tay các nước có nguồn gạo giá rẻ.

Tuy nhiên, đề xuất này đã bị Liên đoàn Nông dân Tự do (FFF) phản đối và cho rằng đề xuất giảm thuế đối với gạo nhập khẩu của DA là không chính đáng, không đúng lúc và hoàn toàn không hợp lý.

Đó là "một cú đâm vào lưng" những người nông dân trồng lúa - những người vẫn đang quay cuồng vì giá bán tại ruộng giảm mạnh do nhập khẩu quá nhiều trong hai năm qua sau khi ban hành Đạo luật thuế quan.

Ngoài vấn đề nguồn cung thì theo một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở ĐBSCL, hoạt động xuất khẩu cũng bị kìm hãm bởi phí vận chuyển cao do tình trạng thiếu container.

Và mới đây có thông tin Cuba - thị trường truyền thống của gạo Việt Nam đã mua Argentina 30 ngàn tấn gạo trắng loại 15% tấn, giá 530 USD/tấn (FOB) vì giá gạo Việt Nam quá cao như Thái Lan. Mới đây Iraq đã mua qua thầu 60 ngàn tấn gạo Uruguay giá 677 USD/tấn (CIF).

Tính đến thời điểm này vẫn chưa có hợp đồng mới, chủ yếu các doanh nghiệp lo trả nợ các hợp đồng đã ký trong năm 2020. Cùng với đó là tình trạng thiếu container vẫn là mối lo ngại cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam.

Tuy nhiên theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) dự báo, xuất khẩu gạo năm 2021 vẫn duy trì tín hiệu lạc quan cả về sản lượng và giá bán. Hiện nay, các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Philippines, châu Phi... tiếp tục ký hợp đồng mua gạo của Việt Nam và giá gạo đang ở mức rất khả quan.

Theo Nhịp sống doanh nghiệp