Cổ phiếu VCB đóng cửa phiên giao dịch 1/9 ở mức 83.000đ/cp.
Cổ phiếu VCB đóng cửa phiên giao dịch 1/9 ở mức 83.000đ/cp.

Trong các phiên giao dịch từ 24/8 đến 31/8/2020, khối ngoại liên tục bán ròng cổ phiếu VCB với khối lượng hơn 4 triệu cổ phiếu, trị giá tới 600 tỷ đồng. Hiện chưa thông tin cụ thể về lý do khối ngoại liên tục bán ròng cổ phiếu VCB, nhưng theo nhiều chuyên gia tài chính, động thái này có thể do các nhà đầu tư ngoại tái cơ cấu danh mục đầu tư...

Tính đến thời điểm này, VCB đã hoàn thành phát hành tương đương 3% vốn điều lệ cho nhà đầu tư nước ngoài GIC và cổ đông hiện hữu Mizuho, mang lại nguồn thặng dư gần 5.000 tỷ đồng. Sau phát hành, vốn điều lệ của VCB đã tăng lên hơn 37 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, VCB mới hoàn thành được 1/3 kế hoạch tăng vốn theo phương án phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài được NHNN phê duyệt đầu năm 2018. Hiện tại, vốn điều lệ của VCB đang thấp hơn mức kế hoạch tại phương án cơ cấu lại đã được NHNN phê duyệt tương ứng cho năm 2020 là 21.100 tỷ đồng. 

Giống như các ngân hàng còn lại trong nhóm Big 3 (CTG, BID, VCB) thì VCB cần phải tiếp tục thực hiện tăng vốn điều lệ, tăng vốn chủ sở hữu trong giai đoạn 2020 - 2021 nhằm nâng cao năng lực tài chính, năng lực quản trị. Nếu không tăng được vốn, VCB sẽ không đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn theo quy định, điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng cấp tín dụng cho nền kinh tế.

Báo cáo tài chính mới đây cho thấy dù dịch bệnh do COVID-19, nhưng VCB vẫn bám sát tình hình thực tiễn để đưa ra các quyết sách đảm bảo tăng trưởng hiệu quả. Tính đến cuối quý 2/2020, dư nợ tín dụng của VCB đạt trên 772 nghìn tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2019 và là một điểm sáng về mức tăng trưởng cao trong toàn hệ thống ngân hàng. Tín dụng bán lẻ tiếp tục tăng trưởng cao ở mức 7,4%, chiếm 51,8%/tổng dư nợ, tăng thêm 1,2 điểm % so với cùng kỳ 2019. Như vậy, lũy kế 6 tháng đầu năm, “nồi cơm chính” lãi thuần của VCB đem về 17.111 tỷ đồng, đồng thời hoạt động dịch vụ tăng nhẹ 6%.

Trong khi đó, hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh báo lỗ 21 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái lãi 84 tỷ đồng do chi phí mua bán chứng khoán kinh doanh gấp 3,6 lần kỳ trước). Lãi thuần từ hoạt động khác của VCB cũng giảm mạnh 31%. Chi phí hoạt động giảm nhẹ 5% còn 8.028 tỷ đồng và chi phí dự phòng rủi ro tin dụng tăng 21% là 4.009 tỷ đồng. Do đó, lợi nhuận trước thuế của VCB trong 6 tháng đầu năm nay giảm nhẹ 3% so với cùng kỳ năm trước, đạt 10.982 tỷ đồng

Tính đến ngày 30/06/2020, tổng tài sản của VCB đạt gần 1,19 triệu tỷ đồng, giảm nhẹ 3% so với đầu năm nay. Trong đó, tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước gấp 2,1 lần đầu năm, đạt 72.917 tỷ đồng; tiền gửi tại các tổ chức tín dụng khác giảm 33% xuống 127.712 tỷ đồng; cho vay các TCTD khác giảm 63% xuống 22.940 tỷ đồng.

Theo Công ty Chứng khoán FUNAN, VCB là ngân hàng đầu ngành có quy mô vốn lớn, Nhà nước chiếm tỷ trọng lớn trong vốn cổ phần cũng như có nhiều lợi thế cạnh tranh. Đặc biệt, VCB đã hoàn thành 3 trụ cột của Basel II, nợ an toàn chiếm tỷ trọng lớn... Như vậy, với EPS từ 4.320 đ đến 6.454 đ thì vùng giá trị của VCB từ 57.800 đ/cp đến 86.466 đ/cp. 

 

DƯƠNG THUỲ
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp