Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp báo kết thúc HNCC ASEAN 36 ngày 26/6. (Ảnh: Như Ý)  

Tuyên bố cho biết tại HNCC ASEAN lần thứ 36 diễn ra ngày 26/6 bằng hình thức trực tuyến, các lãnh đạo ASEAN đã thảo luận về tình hình biển Đông, bày tỏ quan ngại về các hoạt động cải tạo đất, những diễn biến gần đây, những hoạt động và vụ việc nghiêm trọng có thể làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và có thể làm suy yếu hoà bình, an ninh và ổn định ở khu vực.

ASEAN tái khẳng định phải tăng cường lòng tin và sự tin cậy lẫn nhau, thể hiện kìm chế trong thực hiện những hành động có thể làm phức tạp hoặc gia tăng tranh chấp và ảnh hưởng đến hoà bình, ổn định, cũng như tránh những hành động càng làm phức tạp thêm tình hình, và theo đuổi một giải pháp hoà bình cho những tranh chấp theo cách phù hợp với những nguyên tắc luật quốc tế đã được thừa nhận rộng rãi, trong đó có UNCLOS 1982.

Các lãnh đạo ASEAN nhất trí tái khẳng định UNCLOS 1982 là cơ sở cho việc xác định các quyền trên biển, quyền chủ quyền, quyền tài phán và các lợi ích hợp pháp trên các vùng biển, và UNCLOS 1982 đề ra khuôn khổ pháp lý cho tất cả các hoạt động trên biển và đại dương.

ASEAN nhấn mạnh tầm quan trọng của phi quân sự hoá và tự kìm chế trong hoạt động của các bên liên quan và tất cả các quốc gia khác, trong đó có những hành động đề cập đến trong DOC có thể có thể làm phức tạp thêm tình hình và gia tăng căng thẳng trên biển Đông.

Tuyên bố cũng tái khẳng định tầm quan trọng của duy trì và thúc đẩy hoà bình, an ninh, an toàn tự do hàng hải, tự do bay ở khu vực biển Đông và thừa nhận những lợi ích của việc đưa biển Đông trở thành vùng biển hoà bình, ổn định và thịnh vượng.

Các lãnh đạo cùng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên liên quan trên biển Đông (DOC), đề cập đến những tiến triển trong đàm phán thực chất nhằm tiến tới việc hoàn thành sớm Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) hiệu quả và thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.

ASEAN hoan nghênh việc hoàn thành vòng rà soát đầu tiên bản dự thảo duy nhất cho đàm phán COC. ASEAN nhấn mạnh sự cần thiết của việc duy trì và thúc đẩy môi trường có lợi cho đàm phán COC, và do đó hoan nghênh những biện pháp thực thế nhằm giảm căng thẳng và rủi ro xảy ra tai nạn, hiểu lầm và tính toán sai.

Các lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng lòng tin và các biện pháp phòng ngừa nhằm thúc đẩy lòng tin giữa các bên, đồng thời tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.

Về quan điểm đối với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, các lãnh đạo ASEAN tái khẳng định tầm quan trọng của văn bản Tầm nhìn ASEAN về khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương như một định hướng cho quan hệ của ASEAN với khu vực châu Á – Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. ASEAN đồng ý tiếp tục thúc đẩy những mục tiêu và nguyên tắc nêu ra trong tài liệu tầm nhìn, đồng thời khuyến khích các đối tác bên ngoài ủng hộ và hợp tác với ASEAN trong 4 lĩnh vực chủ chốt gồm: an ninh trên biển, kết nối, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, kinh tế và các lĩnh vực hợp tác khác, thông qua những mục tiêu thiết thực nhằm thúc đẩy tin cậy, tôn trọng và cùng có lợi thông qua các cơ chế do ASEAN dẫn dắt.

Tuyên bố Chủ tịch ASEAN cũng nêu ra các quan điểm của lãnh đạo khối về những lĩnh vực xây dựng Cộng đồng, kết nối, xây dựng mạng lưới thành phố thông minh ASEAN và nhiều vấn đề khác.

Tại cuộc họp báo chiều qua nhân dịp kết thúc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết các lãnh đạo ASEAN đã nhất trí cao với Tuyên bố do nước chủ nhà Việt Nam soạn thảo.

Theo Tiền phong