Có nhiều cách để biết cuộc chiến toàn cầu chống đại dịch virus corona đang diễn ra như thế nào, như là nhìn vào các cuộc "cách ly" rộng khắp: biên giới đóng cửa, các thành phố bị phong tỏa, và hàng loạt gián đoạn nghiêm trọng mà con người phải đối mặt trong một thế giới đầy âu lo.

Còn một cách khác, đó là thông qua cuộc sống của mỗi cá nhân và những quan sát hàng ngày đối với nhịp sống xung quanh, những điều đang diễn ra ngay bên ngoài cánh cửa.

Christine Spolar, từ London (Anh)

Cafe Kick là một quán bar thể thao kiểu London mở cửa từ 8h sáng và sẵn sàng phục vụ khách tới nửa đêm. Nhưng trong mùa dịch này tình thế đã hoàn toàn thay đổi. Trước đây, có ngày quán bán được đến 50 suất ăn trưa, nay có hôm chỉ bán được 3 suất.

Quán rượu quen trong khu phố của tôi cũng đang thất thu nặng. Terroni of Clerkenwell, nhà hàng ăn Italy lâu đời nhất tại London, đã phải quyết định đặt mua 100 hộp mì ống khô để phục vụ những khách hàng không muốn ăn ngoài. "Có thể nhà hàng sẽ phải đóng cửa sớm hơn vào buổi tối, nhưng tôi vẫn muốn duy trì hoạt động, bởi nơi này đã đi vào đời sống như một phần của cộng đồng", chủ quán Felice Sula nói.

Quán bar Quality Windes vốn nhộn nhịp khách khứa vào lúc xế chiều, mới đây cũng đã phải cất ghế lau dọn đóng cửa quầy bar. Trong thời gian này, quán sẽ phải xoay xở thu nhập dựa vào rượu bán lẻ và đơn đặt hàng mang đi.

Người quản lý của Quality Windes, Gus Gluck, chỉ vào điện thoại của ông, cau mày: "Suốt ngày, từ sáng đến tối, tôi phải nhận điện của bao nhiêu người báo với tôi rằng họ bị mất việc".

Bên ngoài một quán rượu trên phố Carnaby ở London, Anh ngày 17/3. Ảnh: Reuters.
Bên ngoài một quán rượu trên phố Carnaby ở London, Anh ngày 17/3. Ảnh: Reuters.

David L. Stern, từ Kiev (Ukraine)

Ở Kyiv, các nhà hàng, phòng tập thể dục, trung tâm mua sắm, câu lạc bộ, các địa điểm công cộng khác, và cả dịch vụ tàu điện ngầm đều đã bị đóng cửa.

Vợ tôi, Yana, và tôi đang thực hiện cách ly xã hội theo "khuyến nghị" từ chính phủ. Cả hai chúng tôi đều làm việc tại nhà và chỉ ra ngoài khi nào thực sự cần thiết. Từ cửa sổ nhà mình, chúng tôi vẫn thấy có người đi bộ trên phố và dạo chơi trong công viên bên kia đường, nhưng rõ ràng là đã vắng hơn nhiều.

Tới thời điểm này thành phố vẫn chưa bị phong tỏa toàn diện, nhưng có lẽ đó chỉ là vấn đề thời gian theo dự đoán của nhiều người. Đa phần đều lo ngại hệ thống chăm sóc sức khỏe của Ukraine không đủ sức đối phó với dịch bệnh này, ngay cả khi số ca nhiễm chỉ ở mức trung bình. Điều tốt nhất chúng tôi có thể hy vọng đó là giảm thiểu được tác động của nó.

Dù vậy, tâm lý lo sợ đang ngập tràn ở khắp nơi: trên mạng xã hội, trong các cuộc trò chuyện chóng vánh ngoài đường phố, qua điện thoại...

Một lát nữa, chúng tôi sẽ chuẩn bị đồ ăn. Hai chúng tôi thay phiên nhau nấu các bữa. Tối nay cô ấy sẽ làm món súp gà. Còn phiên của tôi tối qua là món cơm Italy nấu với mực ống (mực đông lạnh sẵn trong tủ, chúng tôi mua từ trước cả khi dịch bệnh bắt đầu).

Một nhạc công chơi violin trong lúc chờ chuyến tàu cuối cùng trước khi tàu điện ngầm dừng hoạt động, ga Zoloti Vorota, trung tâm Kyiv, Ukraine, ngày 17/3. Ảnh: Reuters.
Một nhạc công chơi violin trong lúc chờ chuyến tàu cuối cùng trước khi tàu điện ngầm dừng hoạt động, ga Zoloti Vorota, trung tâm Kyiv, Ukraine, ngày 17/3. Ảnh: Reuters.

Diana Hubbell, từ Berlin (Đức)

“Hamsterkäufer"- người đàn ông ở hiệu thuốc càu nhàu, lắc đầu ngán ngẩm. Cả hai chúng tôi chăm chăm nhìn các kệ hàng giấy vệ sinh trống trơn. "“Hamsterkäufer"", dịch nghĩa đen là "những người mua kiểu 'chuột đồng'" (loài được tiếng ăn tham phồng mồm trợn má), một từ lóng trong tiếng Đức dùng để chỉ "người tích trữ". Đây là một trong những từ khá thú vị mà thứ ngôn ngữ đặc biệt và kỳ lạ này tạo ra. Tôi đã nghe thấy người ta nói từ đó rất nhiều lúc đi mua đồ ở Kreuzberg nhiều tuần trước, trước khi các cửa hàng đóng cửa.

Trong khi người Berlin hốt sạch bột mì, men nở và tất cả các loại mì ống ở các siêu thị, tôi ung dung mua đồ theo một kiểu khá tùy ý - xúc xích nai từ người bán thịt quen, lá muối và ô liu từ cửa hàng tạp hóa Thổ Nhĩ Kỳ, một chai siro phong loại hiếm mua từ BioMarkt.

Đoạn tôi đang xem hàng ở một tiệm đồ bếp nhỏ thì cô nhân viên thu ngân người Pháp ở đây nhận tin cửa hàng này sẽ đóng cửa ít nhất cho đến lễ Phục sinh.

Cô ấy nói với tôi rằng đó là điều đúng đắn, rằng cô đã nói chuyện điện thoại với gia đình ở Paris và bạn bè bên Milan, và chỉ mong rằng dịch bệnh sẽ được kịp thời ngăn chặn. Dù vậy, quán bar của chồng cũng đóng cửa, nên cô không biết tới đấy sẽ phải làm gì để sống. Tôi chỉ bảo tôi rất tiếc, cũng không biết nói gì hơn vào lúc này, rồi mua nốt mấy món đồ chẳng cần thiết lắm.

Nhà ga Alexanderplatz ở Berlin, Đức ngày 18/3. Ảnh: Reuters.
Nhà ga Alexanderplatz ở Berlin, Đức ngày 18/3. Ảnh: Reuters.

Pamela Rolfe, từ Madrid (Tây Ban Nha)

Sau khi tích trữ đồ ăn và những thứ cần thiết cho thời gian phong tỏa, việc quan trọng của tôi trong tuần là ra sân bay đón con gái.

Quyết định để con về nhà ở Marid, sau khi trường nó ở Mỹ chuyển sang học trực tuyến toàn bộ thời gian còn lại của kỳ học, như thể một cuộc chạy đua với thời gian trước khi Tây Ban Nha đóng cửa biên giới. Trước đó, chính phủ đã đóng toàn bộ đường biên giới trên bộ và kêu gọi người Tây Ban Nha ở nước ngoài nhanh chóng quay về.

Tôi đến sân bay Adolfo Suarez Madrid-Barajas bằng đường cao tốc chính ở Marid, mọi thứ thật kỳ lạ. Tất cả các bảng quảng cáo điện tử trên đường đều ghi "Hãy ở nhà". Suốt nửa tiếng trên đường, tôi chỉ gặp có 4 xe, tự hỏi không biết họ đang đi đâu. Bãi đỗ sân bay trống hoác, như thể cuộc sống ở Marid đang dừng lại. Chỉ có những xe đỗ dài hạn nằm rải rác trong bãi đậu quốc tế. Cả thảy có 8 chiếc xe chờ khách từ khu vực lấy hành lý, tất cả đều tuân thủ quy định cách ly xã hội, đỗ cách xa nhau, người lái không rời khỏi vị trí.

Khung cảnh Paseo de la Castellana, một trong những đại lộ chính ở Madrid, Tây Ban Nha ngày 17/3. Ảnh: AP.
Khung cảnh Paseo de la Castellana, một trong những đại lộ chính ở Madrid, Tây Ban Nha ngày 17/3. Ảnh: AP.


Rebeca xuất hiện sau khi lấy túi xong. Chúng tôi mau chóng về nhà, vừa nhẹ nhõm vì cuối cùng nó đã về được nhà, vừa mừng vì không bị cảnh sát chặn lại, vì nếu không giải trình được lý do chính đáng cho việc đi ra ngoài, chúng tôi sẽ bị phạt tiền rất nặng.

Dariusz Kalan, từ Warsaw (Ba Lan)

Sáng thứ ba, tình cờ tôi gặp hàng xóm, một người đàn ông lớn tuổi và đã giúp ông ấy mua đồ. Ông cảm ơn tôi, còn nói đầy quả quyết: "Mọi thứ sẽ ổn thôi. Trước người Đức, người Nga chúng ta đều đã sống sót", ý nhắc đến Warsaw từng bị tàn phá trong Thế chiến 2.

Dù vậy, thành phố kiên cường của tôi giờ đây đang phải đối phó với một kẻ thù mới - không giống gì với trước đây: Nó vô hình, cách chiến thắng nó không phải liều lĩnh đối mặt mà nằm ở sự kiên nhẫn và ý thức tự giác.

Quảng trường Castle, một trong những địa điểm du lịch hàng đầu ở Warsaw, Ba Lan, ngày 16/3. Ảnh: AP.
Quảng trường Castle, một trong những địa điểm du lịch hàng đầu ở Warsaw, Ba Lan, ngày 16/3. Ảnh: AP.

Nhiều người vốn làm công việc từ 9h sáng đến 5h chiều đang ngày càng phát chán việc phải ở trong nhà cả ngày - hoặc chẳng có ai để trò chuyện, hoặc ngày nào cũng phải nhìn đi nhìn lại từng ấy khuôn mặt.

Sáng sớm nay, tôi thấy phố Górczewska (nối quận Wola tôi ở với trung tâm thành phố) vắng tanh. Các cửa hàng nhỏ treo biển thông báo số người tối đa được phép ở bên trong, tiệm tạp hóa tôi hay mua phô mai và thịt cho phép tối đa 1 người, còn tiệm bánh mà tôi yêu thích Galeria Wypieków thì cho tối đa 2 người. Ở bên ngoài, mọi người vẫn ung dung xếp hàng chờ đến lượt, đứng cách nhau ít nhất 1 mét.

Tôi tự hỏi, sự ung dung này, sẽ kéo dài bao lâu nữa.

 

Trương San
Theo zingnews.vn